Hội CCB tỉnh tham quan mô hình phát triển kinh tế của CCB Nguyễn Đức Tâm (thứ 3 từ trái sang) ở Nam Đông
Mạnh dạn vươn lên
Khi đói nghèo còn bủa vây, người dân chỉ biết đến những mảnh vườn, thửa ruộng và vào rừng đốn củi để kiếm thêm thu nhập, thì CCB Trần Dũng ở xã Hương Giang (Nam Đông) đã mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay ủy thác cho Hội CCB của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế rừng.
CCB Trần Dũng chia sẻ: "Thời điểm năm 2002, đất đai thì bao la, nhưng một phần vốn không có, một phần việc trồng rừng kinh tế còn rất xa lạ với bà con, nên khi tôi bắt tay “làm liều” ai cũng ái ngại, cứ nghĩ rằng không dưng đưa tiền vào rừng “vứt”. Xác định cây cao su và cây keo lai phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và là cây xóa đói, giảm nghèo nhanh lại bền vững nên tôi mạnh dạn trồng 3ha cao su và 2ha keo lai".
Sau nhiều năm thâm canh chăm sóc, những hecta rừng cao su và keo bắt đầu “đơm trái ngọt”. Với 3ha cao su, bình quân mỗi năm gia đình CCB Trần Dũng thu lãi gần 200 triệu đồng, còn 2ha keo lai sau 4 năm cũng cho thu nhập 150 triệu đồng.
Kết hợp với trồng rừng kinh tế, CCB Trần Dũng còn “bôn ba” học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả. Sau khi có được kha khá kiến thức, ông tiếp tục cải tạo hơn 1.000m2 đất vườn để trồng ổi, cam, quýt… Chỉ sau 3 năm cải tạo, vườn cây ăn quả của gia đình ông cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, CCB Trần Dũng đã cùng với hội CCB xã thường xuyên vận động hội viên và bà con mạnh dạn vay vốn, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Không những thế, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như cây giống cho các hội viên. Nhờ vậy, nhiều CCB xã Hương Giang đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên nhiều năm trở lại đây, xã không còn CCB nghèo, cận nghèo.
Mạnh dạn hưởng ứng chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và trồng rừng phát triển kinh tế, CCB Lê Quang Hà ở thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ (Phong Điền) đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ủy thác của hội để đầu tư trồng 7ha rừng cao su và keo lai. Để lấy ngắn nuôi dài, CCB Quang Hà còn trồng thêm 2,5 ha sắn nguyên liệu và chăn nuôi gia trại để có thêm thu nhập.
Kiên trì bám đất, bám rừng, lấy công làm lãi, vườn cao su và cây lấy gỗ của CCB Quang Hà cũng cho hiệu quả kinh tế sau 7 năm dày công chăm sóc. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ vườn rừng và chăn nuôi gần 400 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Còn CCB Phạm Phước ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thì nắm bắt được lợi thế của địa phương là thâm canh cây lúa, nên đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc trồng trọt, thu hoạch lúa và làm dịch vụ phục vụ bà con trong vùng. Hiện nay, gia đình CCB Phạm Phước có thu nhập gần 350 triệu đồng/năm từ cây lúa và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Trợ lực
Những năm qua, phong trào đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo của Hội CCB tỉnh đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực. Số lượng CCB mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và những mô hình kinh tế hiệu quả không ngừng tăng lên.
Nhằm hỗ trợ tối đa cho các hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh đã đẩy mạnh huy động các nguồn vốn, đứng ra bảo lãnh các nguồn vốn vay ủy thác cho hội viên như: Vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm (trên 11 tỷ đồng); vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (trên 206 tỷ đồng). Đến nay, đã có gần 7 ngàn hội viên tham gia vay vốn tại 210 tổ vay vốn CCB. Hội cũng tích cực vận động hội viên đóng góp quỹ hội để giúp nhau phát triển kinh tế. Từ nguồn quỹ này, các cấp hội đã giải quyết cho 771 hội viên vay vốn không lãi hoặc lãi suất thấp với số tiền gần 4,5 tỷ đồng.
Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả, Hội CCB tỉnh và các cấp hội đã kết hợp với đơn vị chuyên môn để mở các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, nâng cao kiến thức phát triển kinh tế cho hội viên.
Ông Nguyễn Vĩnh Sinh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh đánh giá: Nhìn chung các hội viên vay vốn đều phát triển sản xuất có hiệu quả, thu nhập cao và trả vốn đúng hạn, tạo điều kiện để các hội viên khác tiếp tục được vay vốn. Ngoài việc sẵn sàng giúp đỡ nhau về tài chính, các hội viên ở các cơ sở hội còn tích cực hỗ trợ sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho người đi sau. Thông qua việc hỗ trợ vay vốn, nhiều hội viên có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chính nhờ thế tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo giảm đáng kể qua từng năm. Hội CCB tỉnh có gần 21 ngàn hội viên. Tính đến tháng 9/2019, toàn hội còn 274 hộ nghèo (1,38%) giảm 91 hộ so với năm 2018.
Bài, ảnh: Thanh Thảo