Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang là một bậc cao tăng đức độ có nhiều cống hiến cho Phật giáo, được nhiều tăng ni, phật tử kính quý. Sau khi ông mất, di huấn của ông để lại cho các pháp tử lo hậu sự của mình rất đơn giản, mang tính nhân văn cao.
Đông đảo tăng, ni, phật tử tiễn đưa kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang từ Tổ đình Từ Đàm đến nơi hỏa táng. Ảnh: P. Thành
Nhiều cống hiến
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hòa thượng Thích Trí Quang quê gốc Hải Dương, sinh tại Quảng Bình vào năm 1923, xuất gia năm 1936 ở chùa Phổ Minh (Quảng Bình) với pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh, đạo hiệu Trí Quang.
Tên tuổi của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại cũng như lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước, là dịch giả lớn của Phật giáo Việt Nam với hàng chục tác phẩm Kinh, Luật, Luận. Đại lão Hoà thượng là tác giả của nhiều công trình giảng luận Phật pháp, Luật học của người xuất gia, là nhà phiên dịch, chú giải nhiều kinh điển Đại thừa, sám pháp, luận sớ của chư vị Bồtát, chư Tổ sư và hàng trăm bài khảo luận dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng cho Phật học và thái độ ứng xử theo Chánh pháp.
Kể từ lúc gắn bó các hoạt động Phật giáo ở Sài Gòn, sau ngày thống nhất đất nước, Đại lão Hoà thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP. Hồ Chí Minh) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải Kinh, Luật, Luận…
Năm 2013 ở tuổi 91, đại lão hòa thượng đã trở về quê nhà sau hơn 60 năm xa cách. Sau đó, lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.
Nghi thức trà-tỳ (hỏa táng) Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang được tổ chức tại Công viên Vĩnh hằng Vườn Địa Đàng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Ảnh: P. Thành
Thực hiện Bản di huấn
Sự ra đi của Đại lão Hòa thượng không chỉ để lại niềm thương tiếc đối với tăng ni phật tử, mà di huấn về chương trình tang lễ đã trở thành tiếng chuông thức tỉnh nhân sinh về sinh tử vô thường, với sự giản dị, nhân văn.
Sau khi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang thị tịch, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trụ trì Tổ đình Từ Đàm công bố di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang. Theo di huấn, sau khi ngài mất khoảng 6 giờ thì khâm liệm; tiếp đó các Pháp tử lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang; “Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu; chuyển đến lò thiêu, thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tường và đại tường”; “Mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả”...
Theo thông báo của Ban Tổ chức lễ tang, thực hiện di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, các chư tôn thiền đức, phật tử khi đến viếng chỉ lạy xong rồi về, miễn tất cả phúng viếng, kể cả vòng hoa. Tang lễ của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh không phúng viếng, không điện thờ... Bậc giác ngộ an nhiên xả bỏ thân tứ đại nhẹ nhàng, không lễ nghi phiền nhiễu. Đây là điều trân quý, khiến nhiều người kính ngưỡng.
Điều này được thể hiện qua việc hàng ngàn tăng ni, phật tử đội mưa tiễn đưa nhục thể Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đến khuôn viên công viên Vĩnh hằng Vườn Địa Đàng Huế để hỏa thiêu theo di huấn của Ngài. Nhiều người khẳng định, ông đúng là một bậc chân tu. Đại lão Hòa thượng sau khi viên tịch, Ngài để lại Di huấn là một bài học về sự giản dị, khiêm tốn cho nhân sinh học tập làm theo. “Nhất tâm kính ngưỡng Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quang! Ngài là một điểm vàng sáng chói của Đạo Phật nói chung và đạo Phật Việt Nam nói riêng”- một phật tử cho biết.
Thanh Tâm