Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan Thú y Hải Phòng, ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện tại gia đình ông Mai Văn Tình, ở thôn Văn Tiến, xã Đại Bản, huyện An Dương. Gia đình ông Tình nuôi 3.200 con gia cầm; trong đó, có đàn gà gần 3.000 con (dương tính với vi rút cúm A/H5N6) và 200 con vịt (không bị nhiễm bệnh do đã được tiêm phòng).
Số gà trên được ông Tình mua từ Thái Nguyên nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặc dù vậy, sau khi xuất hiện tình trạng gà chết rải rác, ông Tình đã không thông báo với chính quyền mà tự đi mua thuốc về chữa trị và tiêu hủy gia cầm.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, cơ quan Thú y Hải Phòng đã tổ chức tiêu hủy đàn gà gần 3.000 con nhiễm cúm A/H5N6. Đồng thời, lập chốt tạm thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng, bao vây ổ dịch không để phát sinh.
Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Do đó, các địa phương cần chủ động trong phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với dịch lở mồm long móng, hiện cả nước còn ổ dịch típ O xảy ra tại 3 huyện (Sông Mã, Bắc Yên và Phù Yên) thuộc tỉnh Sơn La. Cục Thú y cũng nhận định, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.
Vì vậy, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Đối với dịch tai xanh trên lợn, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Theo TTXVN