ClockThứ Tư, 02/11/2016 21:58

Điều tiết lũ, giảm ngập cho vùng hạ du

TTH - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ ngày 30/10 đến 2/11, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và giông, lượng mưa phổ biến từ 200-600mm. Mưa lớn từ thượng nguồn đã gây nên tình trạng sạt lở, chia cắt nhiều điểm ở hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và ngập úng một số địa phương vùng hạ du Phong Điền.

Giám sát các hồ thủy điện xả lũMưa lũ khiến nhiều đoạn đường ngập nặng, nhà dân cô lập

Thủy điện Hương Điền xả lũ trong chiều 2/11.Ảnh: Phan Thành

Ngập cục bộ

Tại khu định cư Tân Bình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) chiều 2/11, mực nước sông Ô Lâu dâng cao do mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến hàng chục ngôi nhà dân ở khu vực này bị ngập 0,2-0,5m. Ông Võ Thoảng, Trưởng khu định cư Tân Bình cho biết: “Từ sáng sớm 2/11, mực nước đã mấp mé hiên nhà. Đến chiều cùng ngày thì nước đã ngập nhà gần 0,5m. Trước đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân vận chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ và chuẩn bị mọi phương tiện, ứng phó khi mưa lớn xảy ra”.

Toàn huyện Phong Điền có 1.750 ha sắn, hiện đã thu hoạch 1.100 ha. Đến nay, số diện tích sắn tập trung ở các vùng thấp trũng như Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền cơ bản đã thu hoạch, nhập cho Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Mặc dù mưa lũ đợt này địa phương bị ảnh hưởng nhẹ nhưng không vì thế mà chủ quan trong công tác phòng, chống. UBND huyện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thông tin để các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân chủ động phòng tránh”.

Đường bị sạt lở nghiêm trọng tại xã Hương Lâm (huyện A Lưới). Ảnh: CTV

Tại A Lưới các xã Hồng Thủy, Hương Lâm, A Đớt, A Roàng... bị ngập cục bộ tại một số thôn như thôn Ba Lạch và thôn A So 2, (xã Hương Lâm); thôn A Đớt và thôn Chi Lanh – A Ro (xã A Đớt), phải tiến hành di dời hàng chục hộ dân. Trong lúc di chuyển, một người dân ở xã Hồng Thái bị thương. Mưa lớn gây sạt lở, làm sập 2 căn nhà người dân ở xã A Roàng và A Đớt; hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, công trình giao thông ở các xã Hồng Kim, Hương Nguyên. Công trình nước sinh hoạt thôn Ka Nôn 1 và 2 của xã Hương Lâm bị trôi tuyến ống. Không chỉ thiệt hại về nhà cửa, công trình dân sinh, diện tích lúa và hoa màu của người dân bị ngập, hư hại gần 40ha...

 Tuyến QL 49A đi qua địa bàn huyện A Lưới bị sạt lở trên 10 điểm, có 3 điểm sạt lở nặng tại Km 55, Km 92 và Km 378; tuyến Hồ Chí Minh bị sạt lở tại đoạn Km 314 + 400 (khu vực đèo Pê Ke) với khối lượng ước tính 3.000 m3. Đường lên cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng bị tắc tại 6 điểm. Lượng mưa lớn làm cầu tràn ở xã Hồng Kim qua sông Tà Rình bị xói trôi một nửa, cầu Khe Chai và cầu A Sáp, xã Đông Sơn bị trôi hoàn toàn.

Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện A Lưới đã phối hợp với các lực lượng cơ động và các địa phương vùng xung yếu tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hạt Quản lý đường bộ A Lưới cùng các đơn vị liên quan đã huy động máy xúc, giải phóng hàng trăm khối đất đá trên các đường bị sạt lở. Tính đến chiều 2/11, cơ bản đã thông tuyến. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Các hộ dân di dời, sơ tán được bố trí ở tại trụ sở các xã để đảm bảo an toàn. UBND huyện và chính quyền các địa phương chăm lo hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đảm bảo việc ăn ở của người dân trong thời gian sơ tán”.

Tại huyện miền núi Nam Đông, mưa lớn cộng với việc thi công dở dang tuyến đường La Sơn – Nam Đông giai đoạn 2 và đường Hồ Chí Minh khiến nhiều tuyến đường chính và nhà dân ở trung tâm thị trấn Khe Tre bị ngập nặng, có đoạn ngập sâu từ 30 cm – 50cm. Ngập úng đã gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Cắt lũ vùng hạ du

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các hồ đập trên địa bàn vận hành theo quy trình đã được phê duyệt. Trưa 2/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có lệnh yêu cầu hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền tiến hành xả lũ vì mực nước tại các hồ này cao hơn mực nước đón lũ. Theo dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục mưa to đến rất to nên các hồ trên sẽ tiến hành điều tiết lũ về hạ du. Cụ thể, tại hồ thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ), mực nước đến chiều 2/11 đạt ngưỡng +54,55m, cao hơn mực nước đón lũ 1m. Lưu lượng nước về hồ 1.438 m3/s, lưu lượng qua máy 184m3/s; mực nước sông Bồ tại trạm Phú Ốc ở mức +1,5m, đạt báo động 1. Theo đó, hồ này sẽ điều tiết về hạ du với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến 300-500 m3/s. Trong đó, lưu lượng qua máy là 184 m3/s, mực nước ở trạm Phú Ốc không vượt quá 2,7m.

Mực nước hồ thủy điện Bình Điền ở mức 76,27m, cao hơn mực nước đón lũ 1,7 m. Lưu lượng nước về hồ 540 m3/s, lưu lượng nước qua máy 62,2 m3/s; mực nước sông Hương ở Kim Long ghi nhận trên báo động 1. Hồ này sẽ xả về hạ du từ 100-120m3/s để đưa về mực nước đón lũ. Trong khi đó, tại hồ chứa Tả Trạch, mực nước ở mức 35,75m, cao hơn mực nước đón lũ 6,7m; lưu lượng nước về hồ 300-900m3/s; về hạ du 270m3/s. Nên hồ này sẽ điều tiết xả về hạ du  từ 400-580 m3/s.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định, việc điều tiết lũ ở hồ Tả Trạch và Bình Điền sẽ được khống chế, mực nước sông Hương tại Kim Long không vượt quá +1,7 m, dưới báo động 2. Các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang hoạt động an toàn (trừ thủy điện A Roàng); dung tích hiện tại các hồ chưa nước đạt 65-95%; các hồ thủy lợi đạt 75-90%. Trong đợt này hồ thủy điện Hương Điền đã chứa được 100 triệu m3, hồ Tả Trạch, Bình Điền đã chứa 170 triệu m3 nước, góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.

Hà Nguyên- Bá Trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo lũ trên lưu vực các con sông

Từ ngày 22 đến 24/11, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.

Cảnh báo lũ trên lưu vực các con sông
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Thời tiết ngày 5/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 5/11, gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Ở phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 17-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Thời tiết ngày 5 11 Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt
Return to top