ClockThứ Năm, 27/10/2022 06:55

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp nhiều ý kiến tại buổi thảo luận tổ

TTH.VN - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, ngày 26/10, tại tổ 9 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Phú Thọ, Lạng Sơn), các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Quy định chi tiết về đề xuất đấu giá biển số ôtô đẹpNgày 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo các Nghị quyết thí điểm và dự án LuậtCần làm rõ một số quy định trong Luật Phòng chống rửa tiềnNgày 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các dự án luậtQuy định rõ cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập

Bên cạnh nhiều ý kiến cơ bản đồng tình, không ít ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần quy định rõ một số nội dung…

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Hạn chế tiêu cực khi thực hiện đấu giá

Liên quan đến thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo nghị quyết cần làm rõ biển số xe được đưa ra đấu giá dựa trên những tiêu chí nào.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, phải có quy định về số lượng, mỗi đợt đấu giá đưa ra là bao nhiêu biển số xe và tiêu chí nào đưa ra con số đó. Còn tại Khoản 1, Điều 2, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị viết lại: “…biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số chưa đăng ký…”.

Về mặt chủ trương, đại biểu Lê Hoài Trung (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) ủng hộ thí điểm đấu giá biển số, đây là cách làm minh bạch, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, tuy nhiên, ông Trung cho rằng phải có giải pháp giảm bớt những thủ tục hành chính.

Còn đại biểu Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) nêu quan điểm, điều quan trọng nhất của biển số xe là để cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý các phương tiện giao thông. “Hiện nay, chúng ta đưa ra một cách tiếp cận mới, đó là đấu giá biển số nhưng có thể gắn với một xe cũ hoặc xe mới hoặc có khi xe đã chuyển nhượng…. Do vậy, chúng ta cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo quản lý được các phương tiện giao thông theo cách mới này”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đề nghị tính đến trường hợp xảy ra việc đầu cơ biển số xe trong tương lai. Ông Nam dẫn chứng về việc đầu cơ về số điện thoại đẹp để cảnh báo. “Cần có giải pháp chống đầu cơ các biển số đẹp, nếu được phép chuyển nhượng tôi đồng tình với quan điểm chỉ cho phép chuyển nhượng một lần”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nói, đồng thời, đề cập đến việc cân đối biển số xe, không thiên về mê tín khi xác định tiêu chí cho biển số đẹp, điều đó sẽ tạo ra phân cực trong xã hội.

Cũng đánh giá về biển số, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh) băn khoăn về tiêu chí để xác định như thế nào là biển số đẹp.

Các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận (Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về tiêu chí để xác định một biển số đẹpẢnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Tạo cơ chế để phát triển vùng chiến lược

Đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá, cơ sở xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là đầy đủ, rõ ràng và chính đáng.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu ủng hộ hai cơ chế, chính sách. Một là, cơ chế chính sách ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư trên địa bàn thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục và dự án đầu tư sản xuất chế biến cà phê. Hai là, chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt...

“Các chính sách này sẽ tạo sức bật cho Đắk Lắk. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá kỹ hơn về hiện trạng, hệ thống giáo dục đào tạo, nghiên cứu, lẫn tác động của chính sách một cách khái quát”, bà Sửu nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Hoài Trung cũng nhất trí chủ trương liên quan đến việc tạo cơ chế thuận lợi cho vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, bởi khu vực này luôn có vị trí chiến lược và là dư địa phát triển mới của Việt Nam. “Ngoài có ví trí chiến lược về an ninh quốc phòng, Tây Nguyên là  vùng căn cứ địa cách mạng, khu vực có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, nên cần một số ưu đãi về thuế, vay vốn”, đại biểu Lê Hoài Trung đề nghị, và nhấn mạnh thêm thêm về việc hỗ trợ kết nối phát triển hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk.

Thọ Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top