Top những địa phương có doanh thu du lịch nhiều nhất 6 tháng đầu năm nay, đứng đầu là TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Kiên Giang… Trong đó, có hai địa phương có doanh thu đạt con số tỷ USD là TP. Hồ Chí Minh, ước đạt 49.681 tỷ đồng (khoảng 2,15 tỷ USD) và Hà Nội với doanh ước đạt 25.200 tỷ đồng. Riêng Khánh Hòa, ngoài gần như dẫn đầu top doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm nay ở khu vực miền Trung cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về mức chi tiêu của du khách với mức bình quân là 5,3 triệu đồng/người. Trong khi hai địa phương ở hai đầu đất nước lần lượt là khoảng 4,5 triệu đồng/người (ở TP. Hồ Chí Minh) và gần 3 triệu đồng/người (Hà Nội)... là thông tin vừa được các báo điện tử như: toquoc.vn, soha.vn, cafef.vn… chuyển tải.
Đáng tiếc là, trong số những địa phương thuộc top có doanh thu tốt từ du lịch lại không có Thừa Thiên Huế, dù đây là lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm nay, khách nội địa đến tỉnh đạt 702.910 lượt, tăng 25,7%, khách quốc tế 12.380 lượt, giảm 15,9% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 438.094 lượt, tăng 19,4%. Doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1.566 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
Dù vậy, so với những địa phương không có thế mạnh về du lịch như Hòa Bình, An Giang, thì doanh thu từ du lịch của tỉnh cũng không bằng. Trong khi Hòa Bình thu được 1.900 tỷ đồng từ du lịch 6 tháng đầu năm và An Giang tương tự cũng thu được 2.900 tỷ đồng.
Không nói đâu xa, các địa phương lân cận ở khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An… doanh thu từ du lịch cũng cao hơn Huế nhiều lần. Trong đó, Đà Nẵng đạt hơn 3.185 tỷ đồng; Khánh Hòa đạt hơn 5.549 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 6.700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Rõ ràng, Huế có rất nhiều lợi thế thu hút khách khi có đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, gồm sông, suối, núi, đồi, biển, đầm phá, di tích, di sản… Song, tại sao lượt khách đến Huế không bằng nhiều địa phương trong khu vực dẫn đến doanh thu từ lĩnh vực này cũng không cao là vấn đề cần đặt ra.
Theo ngành du lịch tỉnh nhà, dù công suất sử dụng phòng ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thời gian gần đây, nhất là dịp lễ 30/4, 1/5 và Festival Huế 2022 đạt cao từ 85-90%, song thời gian lưu trú của khách so với nhiều địa phương khác không nhiều và đang có xu hướng giảm, từ 2,2 ngày cách đây chừng 5 năm và bây giờ con số đó khoảng 1,5 ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến Huế không níu chân được du khách lưu trú lâu hơn là do dịch vụ về đêm chưa phong phú, giá vé tham quan ở một số điểm di tích cao, giao thông ít thuận lợi hơn một số địa phương khác trong hành trình tour tuyến… Nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là sự phát triển của dịch vụ chưa bắt kịp xu hướng, nhu cầu của du khách, nhất là với các dịch vụ cao sao, đẳng cấp. Hiện, Huế không có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao sao, từ 5 sao trở lên. Đây cũng là hạn chế trong việc thu hút dòng khách hạng sang, với mức chi tiêu cao.
Tất nhiên, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu và lượt khách đến Huế 6 tháng đầu năm nay tăng 55%, song so với các địa phương có và cả chưa có thế mạnh về du lịch thì con số chỉ hơn 700.000 lượt khách nội địa và hơn 12.300 lượt khách quốc tế là khá khiêm tốn nếu không muốn nói là quá thấp so với 1,32 triệu lượt khách đến Đà Nẵng và hơn 1 triệu lượt khách đến Khánh Hòa. Thế nên, ngoài những giải pháp nâng chất lượng phục vụ, đa dạng tour tuyến, sản phẩm về đêm…, thì vấn đề cốt lõi cũng là giải pháp dài lâu mà ngành du lịch, tỉnh cần tính đến là kêu gọi được những dự án quy mô, đẳng cấp quốc tế về du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, giao thương kết nối cũng cần được đầu tư nhiều hơn; thêm đường bay, chuyến bay đến nhiều vùng miền trong nước và quốc tế; nâng chất lượng nhân lực lĩnh vực du lịch dịch vụ… cũng là những yếu tố cần được ưu tiên.
HỒNG TÂM