Trang nhất Báo Thừa Thiên Huế phát hành ngày thứ tư
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội của Thừa Thiên Huế đứng đầu toàn quốc là đánh giá của ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách-Xã hội (NHCSXH) Việt Nam tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua 5 năm thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp đã nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương.... Thông tin cụ thể, đón đọc trên trang Thời sự.
Hỗ trợ phụ nữ vùng biên ổn định cuộc sống là bài viết đáng chú ý trên trang Chính trị. Thời gian qua, công tác giúp phụ nữ vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ và phát triển vùng biên cương được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", nhiều ngôi nhà “Mái ấm tình thương", hàng trăm suất quà có giá trị, tổ chức hàng chục lớp trang bị kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em vùng biên giới… Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội ở vùng biên.
Trang Giáo dục – Văn hóa đề cập một vấn đề mà rất nhiều phụ huynh, học sinh và những người trong ngành sự phạm hiện nay quan tâm là việc tuyển sinh vào Sư phạm trong năm học tới. Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Trong bối cảnh tuyển sinh cũng như việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường đang khó khăn, quy định sinh viên sư phạm phải trả lại học phí nếu làm trái ngành không chỉ khiến người học băn khoăn mà các trường sư phạm cũng lo lắng. Thông tin đón đọc trong bài Băn khoăn “đường” vào sư phạm.
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở các vùng quê huyện Phú Vang đổ xô đi “săn” cây trầm gió, cây tơ hồng mọc trên các độn cát, chặt đem về bán cho thương lái, bất chấp lời cảnh báo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Việc người dân ồ ạt chặt phá cây trầm gió, cây tơ hồng bán cho thương lái là rất nguy hại đến sự phát triển của rừng, gây sạt lở đất, gây tình trạng cát bay, cát lấp. Nội dung có trong bài Ồ ạt chặt cây trầm gió bán cho thương lái trang Đời sống – Xã hội.
Báo Thừa Thiên Huế số 7679, phát hành thứ tư ngày 21/8 còn có nhiều tin bài trong nước và thế giới.
Trân trọng giới thiệu!
Báo Thừa Thiên Huế