Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Nhân. Ảnh: HỮU PHÚC
Ông có thể nói rõ hơn, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng như thế nào đến người lao động trên địa bàn tỉnh?
Tính đến nay, có 60 doanh nghiệp phải giải thể, chấm dứt hoạt động với khoảng 250 lao động mất việc làm; 284 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với hơn 1.150 lao động phải chấm dứt hợp đồng, làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp chờ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại; gần 800 công nhân lao động (CNLĐ) phải luân phiên làm việc theo phương án duy trì hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp. Riêng trong tháng 5/2021, có 4.520 công nhân lao động phải ngừng việc do phải cách ly hoặc doanh nghiệp nằm trong vùng cách ly.
Trong bối cảnh này, các cấp công đoàn đã có những hoạt động gì để giúp người lao động vượt qua khó khăn?
Hiện chúng tôi đang rà soát các đối tượng để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng. Cụ thể, sẽ hỗ trợ cho khoảng 2 nghìn đoàn viên và người lao động với mức hỗ trợ dao động từ 500 ngàn đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đồng đối với lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch.
Để thích ứng, LĐLĐ tỉnh linh hoạt ngừng các hoạt động phong trào bề nổi theo kế hoạch để tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động phù hợp với quy định phòng, chống dịch.
LĐLD tỉnh khởi công Mái ấm công đoàn cho người lao động
Cụ thể các hoạt động trọng tâm này là gì, thưa ông?
Chúng tôi đã thành lập đoàn, trực tiếp về doanh nghiệp, đơn vị bị nhiều ảnh hưởng trực tiếp do dịch và thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 500 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 13 mái ấm công đoàn với số tiền 390 triệu đồng; ký kết 4 thỏa thuận hợp tác cấp tỉnh và 11 thỏa thuận hợp tác ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm đưa chương trình phúc lợi đến với đoàn viên, người lao động với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; hỗ trợ giải ngân 7 dự án từ Quỹ Trợ vốn với số tiền 1,4 tỷ đồng cho 70 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập…
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì chương trình “Điều ước đoàn viên” hàng tháng để hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình “Cùng em đến trường” hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh là con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng được duy trì.
Ngoài hỗ trợ đột xuất, công đoàn các cấp đã có những hoạt động hỗ trợ lâu dài như thế nào?
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các bản thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương tại doanh nghiệp, nhất là các điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật đối với người lao động như nâng cao chất lượng bữa ăn ca, chế độ tiền lương, thưởng, thời gian nghỉ ngơi, chế độ hiếu hỉ… Các hoạt động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp trong đoàn viên và người lao động để họ cống hiến, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển được triển khai.
Theo ông, hiện các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn trong các doanh nghiệp đã đảm đương được vai trò đồng hành cùng người lao động?
Trong giai đoạn dịch bùng phát, công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đưa ra các phương án đảm bảo duy trì việc làm ổn định, chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc. Đồng thời, tham mưu cho người sử dụng lao động xây dựng các phương án phòng, chống dịch hiệu quả tại doanh nghiệp theo quy định, triển khai xét nghiệm sàng lọc, tiêm vắc-xin cho người lao động…
LĐLĐ tỉnh đã kịp thời bổ sung đối tượng không phải đóng đoàn phí công đoàn cho đoàn viên công đoàn có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo quy định cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chú trọng cập nhật thông tin qua hệ thống để đoàn viên, người lao động bình tĩnh, chủ động, nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc, trong gia đình và cộng đồng. Qua đó, động viên người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, gắn kết và đồng hành với người sử dụng lao động tổ chức sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, việc làm và thu nhập ổn định.
Cùng với phát triển công nghiệp, số lượng lao động trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, trong khi đời sống tinh thần tại các khu công nghiệp đang thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh dành cho công nhân lao động. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020.
Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã có công văn (ngày 13/4/2021) về giới thiệu và chấp thuận địa điểm quy hoạch thiết chế tại phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. LĐLĐ tỉnh đang chuẩn bị các nội dung liên quan để phối hợp thực hiện.
Khi khu thiết chế này được khánh thành sẽ có nhà thi đấu thế thao để công nhân vui chơi sau giờ làm việc, có nhà trẻ mẫu giáo, có siêu thị công đoàn, có trạm y tế, có trung tâm tư vấn pháp luật của công đoàn. Ngoài ra, còn có nhà ở tập thể cho công nhân thuê và bán giá rẻ cho công nhân.
Từ thực tế, theo ông, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho công đoàn như thế nào để nâng cao vai trò, vị thế, đáp ứng yêu cầu đồng hành cùng người lao động trong hội nhập, phát triển?
Các cấp công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động theo hướng tập trung, hiện đại, phong phú, thiết thực; nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cần đi vào thực chất, đổi mới, sáng tạo, tìm ra mô hình tổ chức phù hợp cho tổ chức công đoàn trong tình hình mới… Cán bộ công đoàn cũng cần đổi mới tư duy, hướng về cơ sở, đồng thời có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tạo nên những giá trị và lợi ích đích thực cho đoàn viên, người lao động.
Xin cảm ơn ông!
Hải Thuận (thực hiện)