Thứ Tư, 17/12/2014 07:18
(GMT+7)
Được mùa, nhưng ăn gạo khác
TTH - Sản lượng lúa cả năm đạt 316.920 tấn, tăng 11,3% so với năm 2013 và 2014 cũng là năm đầu tiên cây lúa được mùa ở cả hai vụ đông xuân và hè thu. Năng suất cũng lần đầu tiên chạm mốc 60,5 tạ/ha và 58,5 tạ/ha theo thứ tự. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào ứng dụng vào sản xuất được đẩy mạnh. Hiệu quả kinh tế khá và đời sống người dân vùng nông thôn được cải thiện là đánh giá tại Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VI tuần vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ghi nhận thuận lợi về thời tiết, những thay đổi tích cực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất... để tạo ra những bước chuyển mạnh so với những năm trước, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh) cũng chỉ ra những vấn đề rất đáng lưu tâm khi sản xuất lúa được mùa nhưng khó tiêu thụ và không được giá. Toàn tỉnh có hơn 25.000 ha lúa nhưng gạo sản xuất được chủ yếu dùng cho nhu cầu gia đình nông dân, số gạo hàng hóa phần lớn để chế biến các loại bún, bánh và các nhu cầu chế biến khác. Lưu thông chủ yếu trên thị trường là gạo thơm Quảng Trị, gạo Thái Lan và các địa phương khác.
Nguyên nhân được xác định ở đây là do diện tích trồng lúa của tỉnh phần lớn dùng bộ giống cũ, chất lượng thấp. Theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì trong năm nay, các loại giống HT1, TH5, Iri352... được mở rộng diện tích gần 4.000ha trên địa bàn; các loại giống lúa khác như HC4, BT7... có chất lượng và có khả năng xuất khẩu nhưng diện tích cũng mới đạt được vài trăm ha, nghĩa là còn quá khiêm tốn với diện tích mà tỉnh hiện có. Việc hình thành cánh đồng mẫu đã được thực hiện, nhưng vấn đề là tại vì sao vẫn chưa nhân diện khá hơn? Cơ cấu giống lúa cũng đã thật sự phong phú và phù hợp với chân ruộng ở những vùng khác nhau để người dân lựa chọn? Hơn nữa, sản lượng cao là một thành quả đáng ghi nhận, song cũng đã đến lúc phải gia tăng chất lượng, đầu tư cho sự lưu thông gạo thương phẩm. Chí ít thì cũng là loại gạo mà người dân trên địa bàn chọn cho bữa cơm hàng ngày.
Ổn định diện tích trồng lúa, trong đó nâng diện tích trồng lúa chất lượng cao lên 10.000 ha và đưa tỷ lệ lúa xác nhận đạt trên 92%, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu... là kế hoạch được đặt ra cho năm 2015. Điều mà chúng tôi cũng muốn đề nghị thêm là ngành chủ quản và các địa phương cần có sự phối hợp một cách thực sự có hiệu quả trong việc thay đổi cơ cấu giống có chất lượng. Nghĩa là phải biết nóng ruột và tự ái để chen chân được vào thị trường gạo thương phẩm ngay trên mảnh đất của chính mình.
Nguyễn An Lê