ClockThứ Bảy, 01/05/2021 11:04

Gác lại việc chưa cần thiết, nỗ lực cao nhất phòng chống dịch an toàn, hiệu quả

Sau 34 ngày Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 29/4, tại Hà Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên và ngay sau đó một loạt ca bệnh mới đã được phát hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xử lý nghiêm những nơi lơ là phòng, chống dịch COVID-19Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường lực lượng cho Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát vùng biên giớiTuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch COVID-19Siết chặt phòng, chống COVID-19 ở sân bay, nhà ga, bến xeThủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch COVID-19Đảm bảo an toàn những ngày nghỉ lễ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Ngay sáng 30/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới với phương châm phải nhanh nhất khống chế dịch, không để lây lan, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế…

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Quan tâm đến dự báo, quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 từ sớm, từ xa

Thời gian qua, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo trước nguy cơ lây nhiễm khi xuất hiện các làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước xung quanh chúng ta (như nhiều tỉnh của Campuchia và Lào sát biên giới Việt Nam đều có các ca nhiễm mới), Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã sớm có dự báo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, kịp thời, toàn diện về công tác phòng chống dịch từ sớm, từ xa. Ngày 27/4, Thường trực Ban Bí thư có Điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban Đảng, ban cán sự Đảng; Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn (16/4) đã có các chỉ đạo cụ thể về phòng, chống dịch và tiêm phòng vaccine COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện vào ngày 23/4 và chủ trì cuộc họp vào ngày 26/4 về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng tác của nhân dân, thời gian qua, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới.

Tuy nhiên, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, nhiều nước trong khu vực bị làn sóng mới của COVID càn quét, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trước sự nguy cấp của tình hình, Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để chống dịch, thậm chí phải tổ chức làm sớm, triệt để, khoa học, bài bản nếu có dịch vì theo kinh nghiệm thời gian qua, càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, ảnh hưởng và thiệt hại nhiều hơn lần trước, thời gian khống chế lâu hơn.

Vì vậy, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan để  đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước chúng ta thời điểm này, đó là  đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là đang tàn phá nặng nề các nước láng giềng và trong khu vực. Sau những nỗ lực hết sức mình của cả hệ thống chính trị, sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì nay, các ca bệnh đã xuất hiện ở một số địa phương, đe dọa nỗ lực của chúng ta và nếu không kiểm soát tốt, dịch sẽ xô đổ mọi thành quả, thành tựu đáng ngưỡng mộ của chúng ta đã đạt được thời gian qua...

Do đó, cần nâng cao ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, siết chặt việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là việc quản lý, giám sát, kiểm tra khâu cách ly tập trung và sau cách ly tập trung (tự cách ly tại nhà). Trường hợp sau cách ly tập trung về cách ly tại nhà cần có hồ sơ theo dõi y tế.

Một số ý kiến đặt vấn đề, phải rà soát, xem lại quy trình cách ly cho chặt chẽ hơn khi trong trường hợp ca bệnh 2899 vừa qua, đã di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Đà Nẵng để về quê sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ khâu cách ly tại nhà. Chỉ có 1% số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày, vì vậy, thời gian cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung chính là kiểm soát số 1% này (cũng có khả năng, trường hợp ca 2899 rơi vào số 1% này).

Phòng, chống dịch COVID-19 một cách triệt để và hiệu quả, bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân đang là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, của toàn thể hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế để khắc phục

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh chúng ta và khi chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước, các mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc một số ca bệnh vừa bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt, chưa nghiêm.

“Phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học phòng chống dịch từ các nước trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chúng ta vẫn tự tin, vẫn có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ biểu dương, khích lệ, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm hay, làm tốt, hy sinh hết mình vì cộng đồng thời gian qua. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nhấn mạnh việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả.

Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Bên cạnh đó, phải tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới.

Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”. “Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia. Yêu cầu cả hệ thống chính trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, huy động trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng lực vào phòng chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, cảm ơn các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân -  đây thực sự là lực lượng nòng cốt, linh hoạt, sáng tạo. Cùng với đó, phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt hơn, làm nghiêm hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19 vì lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng và vì sức khỏe của người dân.

“Qua hơn 1 năm, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng cần đánh giá lại những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phải thực hiện “5K+vaccine”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở, do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn” chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình.

Bộ Y tế cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về dịch bệnh, về nguy cơ lây nhiễm (ví dụ thế nào là nguy cơ cao, thấp, trung bình, thế nào là có dịch…) và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phân cấp cho các cấp chính quyền căn cứ vào tình hình, vào tiêu chí đó để lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định các biện pháp của mình, không trông chờ, ỷ lại.

Bộ Y tế tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh tìm nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Chính phủ, trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, có ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, không để xảy tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong công tác này.

Tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành về công tác phòng chống dịch và nhấn mạnh phải phát huy được tinh thần huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra; chủ động, linh hoạt sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương và tình hình dịch trên địa bàn để thực hiện mục tiêu kép.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top