ClockThứ Năm, 27/04/2023 11:17

Giám sát và phản biện: Dấu ấn từ thực tiễn

TTH.VN - Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Argentina“Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc trong tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc”Đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp đặc biệt của Quốc hội Cuba

Kỳ 1: Phản biện tại những “điểm nóng”

Bên cạnh nội dung được giao chủ trì trong chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh đã tổ chức giám sát, khảo sát thông qua tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết các kiến nghị của trử tri.

Từ tiếng nói cơ sở

Những ngày tháng 8/2022, trước mắt các vị ĐBQH, đoàn công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh là ngôi nhà nhỏ, xây dựng bằng bê tông cốt thép của chị Trương Thị Ngân (thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Điều đáng nói, phần sân và những mảng tường ngôi nhà lộ rõ nhiều vết nứt, nền nhà vệ sinh đổ sập; khu vực chăn nuôi xuất hiện những cái lỗ cỡ tách trà, sâu hoắm.

Trình bày với đoàn, chị Ngân tỏ ra lo lắng về sự an toàn trong cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ hộ gia đình chị Ngân, nhiều nhà dân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người dân không khỏi lo lắng, hoang mang.

Vậy đâu là nguyên nhân?!

leftcenterrightdel
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát thực trạng sụt lún  do hoạt động nổ mìn, khai thác mỏ đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Lâm tại xã Phong Xuân

Trước đó, ngày 9/5/2022, tại buổi tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri Phong Điền, đặc biệt là cử tri thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân bức xúc về thực trạng sụt lún, nứt nẻ do hoạt động nổ mìn, khai thác mỏ đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Lâm.

Cử tri phản ánh, Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu dẫn đầu lập tức có chuyến khảo sát thực địa.

Sau 3 giờ đồng hồ khảo sát, thăm hỏi người dân Phong Xuân, hình ảnh mà các vị ĐBQH, đoàn công tác nhìn thấy không khác so với những phản ánh của cử tri.

Thực trạng này không mới nhưng tồn tại dai dẳng qua nhiều năm chưa được giải quyết.

Năm 2021, Sở Khoa học & Công nghệ đã có báo cáo về kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh về vấn đề này. Sau đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Phong Điền phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm (Công ty) lập phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao và rất cao về sụt đất theo khuyến nghị của đề tài.

Hơn 1 năm sau, khi các vị ĐBQH thực địa, vấn đề còn bỏ ngỏ.

105  hộ có nguyện vọng dời đi, UBND huyện Phong Điền đề xuất trước mắt chỉ di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao và rất cao hiện đã sụt lún nhà và quanh vườn, nhưng vấn đề chỉ nằm trên giấy.

Tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với Công ty và cơ quan liên quan, Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét để đơn vị phối hợp với Sở KH&CN, UBND huyện Phong Điền và UBND xã Phong Xuân thực hiện khoan khảo sát các khu vực có nguy cơ cao và rất cao để xác định rõ nguyên nhân sau đó mới có kết luận cụ thể và tính toán phương án di dời.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu quả quyết: “Công ty cần chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh, phía Công ty lưu ý đến vấn đề kinh phí cho việc di dời, thực hiện ngay trong năm nay, trước mắt là cho 14 hộ dân”.

Sau cùng, đại diện công ty phải chấp thuận phối hợp thực hiện di dời 14 hộ dân .

“Về tình trạng sụt lún tại khu vực xung quanh mỏ đá vôi thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, chúng tôi đã có báo cáo và các kiến nghị liên quan gửi đến các ngành chức năng nghiên cứu để giải quyết nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội tại các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Sửu thông tin.

Trăn trở cùng dân

Hầu như ở khắp các địa phương, câu chuyện ổn định đời sống dân sinh vùng tái định cư như bài toán khó. 

Người dân A Lưới đã nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới để tái định cư. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ được chuyển về nơi ở mới, họ vẫn cứ than thở.

Những căn nhà cấp 4 và mảnh vườn canh tác được chủ đầu tư và các cấp chính quyền bố trí tái định cư đến nay vẫn chưa “vừa” lòng dân.

Ông Hồ Văn Lanh chuyển về khu tái định cư Hồng Thượng (huyện A Lưới) than thở, dù được cấp mảnh vườn mới nhưng đất đai cằn khô, gia đình ông không thể canh tác.

Ngoài mấy cây chuối và ít keo tràm, trên vùng đất sỏi đá, ông Lanh không trồng được gì. Đặc biệt, các hộ có nhà nằm sát bờ sông A Sáp cũng thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa đến. Ông Lanh bảo, để trang trải cuộc sống, ông cùng nhiều người khác phải trồng rừng thuê, bốc vác gỗ keo tràm, làm phụ hồ, thợ xây…

Thực trạng đã tồn tại trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng có lẽ cũng thấu hiểu được lòng dân, song việc ổn định cuộc sống cho họ hẳn vẫn cần thời gian. Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH, HĐND tỉnh tại miền sơn cước, người dân kiến nghị kéo dài.

Thực tế, việc triển khai đầu tư Thủy điện A Lưới là chủ trương đúng. Ngoài nhiệm vụ phát điện, nhà máy này góp phần tăng lưu lượng nước cho hệ thống sông Bồ - sông Hương vào mùa khô hạn, bổ sung nước làm gia tăng điện năng cho Nhà máy thủy điện Hương Điền. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2021, đơn vị đóng góp vào ngân sách của tỉnh hơn 753 tỷ đồng.

Trước thực trạng ấy, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2023.

leftcenterrightdel
Đoàn ĐBQH tỉnh  giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2023

Làm việc với Nhà máy thủy điện A Lưới, UBND huyện A Lưới, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu khẳng định, không thể bỏ qua vấn đề dân sinh. Nhất là khi tại nhà máy đã 2 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước vào năm 2014 và 2021. Dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hạ du cũng như vận hành an toàn hồ đập nhưng sự cố là bài học kinh nghiệm sâu sắc để ứng phó với thảm họa, nhất là công trình có vai trò quan trọng.

Tại báo cáo của chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư đều cho rằng họ luôn ưu tiên đảm bảo đời sống người dân vùng tái định cư. Thực tế chưa cho thấy điều đó.

Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Sửu hiểu rõ vấn đề này. Trước khi là ĐBQH, bà nguyên là Bí thư Huyện ủy A Lưới. Bà Sửu đề nghị: “Hơn 100 hộ dân đã di dời đến các khu tái định cư, đời sống bà con vẫn khó khăn. Với trách nhiệm cộng đồng, đơn vị tiếp tục hỗ trợ để chung tay với huyện. Đây vừa là trách nhiệm của đơn vị đóng chân trên địa bàn, vừa là nỗ lực làm tốt công tác an sinh xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận của người dân đối với quá trình hoạt động của nhà máy. Với tư cách ĐBQH, tôi sẽ theo sát vấn đề này”.

Gửi gắm niềm tin của dân đến Quốc hội

Hai câu chuyện trên là những ví dụ điển hình trong công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trước thực tiễn ở địa phương.

Năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành tiếp công dân định kỳ và tiếp thường xuyên tại trụ sở. Qua đó, tiếp nhận 56 đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; chuyển 22 đơn thư đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đồng thời thông báo, hướng dẫn bằng văn bản cho các đương sự biết để liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền.

Qua nghiên cứu đơn thư của công dân, đáng chú ý, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành khảo sát việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hồ Văn Ngật và bà Nguyễn Thị Lũy liên quan đến việc UBND TP. Huế thu hồi đất thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại phường Xuân Phú. Sau khảo sát, Đoàn đã có báo cáo gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội và các cơ quan chức năng giải quyết.

Tại Kỳ họp thứ ba và thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng chuyển 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để xem xét,. “Đến nay chúng tôi nhận được 22/34 văn bản trả lời kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương, các nội dung trả lời đảm bảo yêu cầu nội dung và chất lượng, góp phần giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri”, bà Nguyễn Thị Sửu thông tin.

leftcenterrightdel
Thường trực HĐND tỉnh, các vị ĐBQH tiến hành tiếp công dân định kỳ để nắm bắt các kiến nghị của cử tri

Liên quan đến việc phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, mới đây, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức giám sát, làm việc trực tiếp  với Sở Công Thương, UBND huyện Phong Điền, UBND huyện A Lưới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II, và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh .

Kết quả chuyên đề giám sát này cho thấy, các chính sách pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng còn bộc lộ tồn tại, hạn chế, chưa đồng bộ hoặc hết thời gian thực hiện nhưng chưa được các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản thực hiện chuyển tiếp hoặc thay thế dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện của địa phương và nhà đầu tư...

Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, rà soát, bổ sung quy hoạch các trạm biến áp điện vào quy hoạch sử dụng đất để ngành điện thực hiện xây dựng hệ thống lưới điện đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc đảm bảo an toàn vận hành và hành lang an toàn lưới điện; thường xuyên kiểm tra việc vận hành và điều tiết hồ chứa của các thủy điện, công tác phòng cháy chữa cháy của các nhà máy sản xuất năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Với những vấn đề quan trọng, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng có văn bản đề nghị Quốc hội xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo, tăng cường công tác giám sát về thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng; cung cầu và an ninh năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển điện mặt trời; sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) để các địa phương có cơ sở cần thiết triển khai các quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Các bộ ngành Trung ương sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng tái tạo) phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; hướng dẫn cụ thể về quy trình lấy mẫu, phân định để xác định chất thải nguy hại đối với pin mặt trời (tấm quang năng thải) để làm cơ sở hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án điện năng lượng mặt trời...

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH, năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát trên địa bàn tỉnh với 4 nội dung. Đó là chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 - 1/7/2021; chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Sau giám sát trên phạm vi toàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có báo cáo kết quả gửi Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH đảm bảo đúng thời gian theo kế hoạch.

                                 Kỳ 2: Các quyết sách hợp lòng dân  

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô

Do dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật chưa có, UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh (gọi tắt DA phục hồi rạn san hô).

Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô

TIN MỚI

Return to top