ClockThứ Ba, 12/03/2019 17:46

Giữ gìn bản sắc dân tộc trong kiến trúc

Sáng 12/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

Triển khai thi hành Luật Đặc xá năm 2018

Toàn cảnh Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng, tại kỳ họp thứ 6, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Qua thảo luận về vấn đề của Luật, đại biểu QH còn có ý kiến khác nhau: Một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm cả quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc Việt Nam; ý kiến khác lại cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật như Tờ trình của Chính phủ vì cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cần phản ánh được đầy đủ các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Do đó, dự thảo Luật điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước đối với hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, hành nghề kiến trúc...

Về quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; nhiều ý kiến đại biểu QH cho rằng cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng: Bổ sung một điều riêng về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng. Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý. Bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc vào các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động kiến trúc, yêu cầu quản lý kiến trúc…

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch QH, Tòng Thị Phóng khẳng định: Luật Kiến trúc khi được ban hành sẽ góp phần bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Viết Tôn

“Tôi đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT và cần ghi vào trong Luật Kiến trúc về bảo tồn kiến trúc cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bởi nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng mang hồn Việt trong kiến trúc của họ”, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch QH khẳng định, đã là kiến trúc không phải chỉ là cấu trúc, mà nó còn là tác phẩm nghệ thuật, trong quá trình tôn tạo không phải ta cứ đi “nhặt nhạnh” mỗi thứ một ít vào trong một kiến trúc cụ thể. Bản sắc từng dân tộc phải giữ được nét văn hóa của mình.

Có ý kiến đại biểu QH đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về yêu cầu quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm Luật Kiến trúc đưa ra kiến trúc Việt Nam thể hiện bản sắc dân tộc Việt trong hiện đại.

Theo Chủ tịch QH, Điều 17 nêu vấn đề “Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi phương án kiến trúc để chọn được 1 phương án thiết kế kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Công trình xây dựng có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc biệt thì phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc....”, cần quy định cho rõ để tránh có những ý kiến khác nhau. Khi Luật đã ban hành rồi thì quản lý như thế nào cho đúng pháp luật. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện Luật này cho đúng và có thể tình ra QH để tiếp tục thảo luận trong kỳ họp tới.

Kết luận phần thảo luận Luật Kiến trúc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ QH cơ bản thống nhất cao Luật Kiến trúc điều chỉnh 2 nhóm, đó là chính sách quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên cần rà soát thêm, tạo sự năng động sáng tạo.

“Cần có quy định phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, hạn chế đưa văn hóa ngoại lai vào kiến trúc Viêt Nam. Tuy nhiên cần làm rõ thêm nội hàm văn hóa các dân tộc; cổ vũ hướng dẫn để chúng ta giữ gìn văn hóa dân tộc Việt Nam. Cần có quy chế quản lý kiến trúc và hội đồng kiến trúc quốc gia; đồng tình cần có hành nghề kiến trúc”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 3/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (NQ175); cùng thời điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025 (NQ 1314). Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

TIN MỚI

Return to top