Trên các phương tiện thông tin đại chúng, gần đây nhiều mô hình nông nghiệp mới đem lại thu nhập cao được giới thiệu. Chẳng hạn mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao giữa nông dân với doanh nghiệp ở Nam Bộ đem lại thu nhập cao hơn hẳn với trrồng lúa thường. Hoặc, mô hình liên kết trồng hoa xuất khẩu giữa nông dân Lâm Đồng với các doanh nghiệp Nhật Bản mang lại thu nhập 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Với thu nhập đó, chắc chắn người nông dân có thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như trên chưa nhiều. Nhìn tổng thể, nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay không còn lạc hậu mà đang từng bước cơ giới hóa, điện khí hóa, nỗ lực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Tuy vậy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tình trạng “được mùa, mất giá” diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân cơ bản là do nền nông nghiệp nước ta chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường…
Để tháo gỡ vấn đề này, vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp đang được đặt ra một cách cấp thiết. Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp ngày 19/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quy hoạch vùng, địa bàn, cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, đến việc quan tâm hơn đến công tác thị trường, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để tăng năng suất chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị của sản phẩm.
Tại Thừa Thiên Huế, hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư được thực hiện lồng nghép nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; các công trình hồ chứa, thuỷ lợi; các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; miễn giảm thuỷ lợi phí… Một số mô hình sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau an toàn ở Quảng Điền, trồng hoa lan ở Phú Mậu (Phú Vang), trồng nấm ở Phú Vang. Hoặc, kế hoạch trồng trên 2 nghìn ha cây gỗ lớn trong giai đoạn 2015-2020 đang triển khai tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp của tỉnh là một giải pháp thiết thực nhằm tái cơ cấu sản xuất ngành lâm nghiệp.
Để người nông dân làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần phải có cơ chế đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mối liên kết “4 nhà” từ khâu triển khai, ứng dụng lẫn tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp. Với người nông dân, cần xóa bỏ tâm lý sản xuất nhỏ, mạnh dạn liên kết, đầu tư để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa có sức cạnh tranh cao.