ClockChủ Nhật, 25/06/2017 15:21

Hạnh phúc và gian nan

TTH - Nghề báo đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc vui sướng nhưng cũng có lúc ngậm ngùi, truân chuyên…

Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế tác nghiệp tại Trường Sa

Nhân lên niềm vui

Vui sướng biết bao khi nhân vật mà chúng tôi  phản ánh là một cậu bé bị bệnh hiếm gặp đã may mắn được một tổ chức nước ngoài hỗ trợ điều trị và trao học bổng, hỗ trợ suốt đời. Một khu dân cư mấy chục năm không thấy ánh sáng của đèn điện đã được “nhà đèn” quan tâm chiếu sáng sau những bài báo; một vùng chia cắt bên kia sông được đầu tư cầu phao sau khi nguyện vọng của người dân được tiếp cận, phản ánh. Niềm vui cũng thật lớn lao khi được nhận những lời cảm ơn trong nước mắt của những hộ dân giải tỏa được đền bù như nguyện vọng, một phần nhờ tác động công luận của báo chí.

Năm 2016, đoàn viên Báo Thừa Thiên Huế khởi xướng vận động tài trợ để giúp gia đình ông Nguyễn Doanh (thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) xóa nhà tạm. Ông Doanh bị bệnh tim, vợ lại đau ốm liên miên, trong khi các con đều nghèo khó. Nhà báo Hải Triều trong một lần về cơ sở, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên kêu gọi tài trợ hỗ trợ cho gia đình. Lần đó, với sự nỗ lực của hai nhà báo Thái Bình, Hải Triều, nhiều đơn vị đã tích cực chung tay hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Doanh gần 40 triệu đồng

Đầu tháng 6/2017, Báo Thừa Thiên Huế đăng một bài viết về hoàn cảnh của cháu Phạm Thành Duy bị bệnh tan máu bẩm sinh. Hai ngày sau, bộ phận Bạn đọc nhận được phản hồi của một độc giả trong ngành thuế của tỉnh đề nghị được giúp đỡ. Sau khi kết nối để ông bà ngoại và Duy gặp trực tiếp bạn đọc muốn giúp đỡ, ông Phạm Minh Kiên, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Công đoàn ngành Thuế tỉnh trực tiếp thăm hỏi sức khỏe của bé Duy, đồng thời trao gia đình một phần quà bằng tiền mặt của Công đoàn ngành và một phần khác của 3 cá nhân đứng đầu Công đoàn ngành. Ông Kiên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên quỹ tương trợ của Công đoàn ngành được dùng để hỗ trợ trường hợp khó khăn không thuộc ngành. Chúng tôi chỉ mong cháu khỏe và góp một phần nhỏ để hỗ trợ ông bà ngoại chăm sóc cháu”. Thay mặt Duy, bà ngoại không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn cứ lặp đi lặp lại mãi đến khi ra về. Ngoại nhỏ nhẹ: “Mấy tháng ni nhà không có tiền nên Duy không được uống thuốc đều. Ri là lại có thêm mấy tháng thuốc nữa cho Duy”. Niềm vui bỗng hóa nước mắt cay cay.

Trong những ngày cuối tháng 6 này, những đoàn viên trẻ của Báo Thừa Thiên Huế đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ vợ chồng anh Nguyễn Quang Sáng, chị Đặng Thị Hằng (Phú Sơn - Hương Thủy) làm nhà kiên cố, thay cho căn nhà “vách ni lông” tạm bợ bằng sự đồng hành của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Hương Thủy.

Tác nghiệp tại phòng điều hành Nhà máy xi măng Đồng Lâm

Cách đây chưa lâu, từ một nguồn tin từ cơ sở, chúng tôi về  xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) tác nghiệp khi biết một số hộ dân phản ánh không thuộc diện đền bù sau sự cố môi trường biển, dù họ có tham gia nghề. Chúng tôi  “bị” cả mấy chục người dân bao vây, trở thành hai “ngôi sao” được săn đón nhất hôm đó ở Lộc Vĩnh. Có hộ phản ánh hai vợ chồng cùng đi biển nhưng vợ không có trong danh sách; người khác phản ánh con có đi phụ đánh bắt cá nhưng bị loại tên… Sau buổi tác nghiệp, bài viết nhanh chóng được đưa lên mặt báo và có tác dụng ngay khi các cơ quan chức năng đã về thẩm định lại thông tin các hộ vừa phản ánh để có hướng xử lý thích hợp, kịp thời.

Và niềm vui của người làm báo cũng đơn giản như  khi ra đường, đi đưa tin hội nghị…có nhiều người tuy chưa biết mặt nhưng nghe tên, đọc báo có thể nhận ra mình. Hoặc có nhiều sự kiện, nhiều vụ việc, bạn đọc gọi điện gửi gắm và mong muốn được phản ánh trên mặt báo. Và đôi khi, hạnh phúc là trên đường  tác nghiệp quá bữa, được người dân mời cơm dù rau dưa đạm bạc nhưng chan chứa ân  tình. 

Đam mê và dấn thân 

Để cảm nhận đến tận cùng những bước chân gian nan của bộ đội biên phòng (BĐBP) trên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi đã có chuyến cùng BĐBP Đồn Biên phòng Hương Nguyên (A Lưới) tuần tra đến cột mốc 673, mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào. Trong chuyến tác nghiệp này, tôi đã “chạm trán” với rắn, sâu, vắt; với dốc cao, vực thẳm, vách núi chênh vênh, những mỏm đá trơn trượt…

Sau chuyến tuần tra, Trung úy Hồ Viết Lê Hoàn “bật mí”, cùng những vật dụng cần thiết, các anh mang theo chiếc võng để ngộ nhỡ tôi không trụ được, sẽ chặt cây rừng cử người “võng” về.  Hoàn bảo, mỗi lần thấy tôi thở không ra hơi, mặt trắng bệch, anh em thầm chuẩn bị tinh thần. Phần mình, đã từng nghe kể về hiểm nguy trên đường tuần tra nên ngoài cuốn sổ, cây bút, tôi mang theo chiếc ví có đầy đủ thẻ nhà báo, chứng minh nhân nhân, để ngộ nhỡ… Bây giờ, chúng tôi càng hiểu tại sao có thể an nhiên cắm một bình hoa dịu nhẹ trong ngôi nhà ấm áp. Và mỗi ngày bình yên là vì đã có các anh trên mọi nẻo biên cương Tổ quốc.

Đặt chân đến mốc quốc giới 673, nơi mảnh đất biên cương

Trong những bài viết của tôi về chuyến cùng BĐBP đồn Hương Nguyên tuần tra đến cột mốc 673, không có bức ảnh nào ghi lại cảnh “đắt đỏ”. Bởi lúc vượt qua gian nan, hiểm nguy, ai nấy đều dồn hết sức lực, tâm trí vào việc xoay trở, di chuyển đảm bảo an toàn tính mạng. Chuyến tác nghiệp này, cuốn sổ, cây bút là vật bất ly thân của phóng viên trở nên thừa thãi. Nhưng trái tim tôi là “cuốn sổ”, đã khắc ghi những bàn tay đồng đội ấm áp, mạnh mẽ; những ánh mắt xúc động khi các anh đứng nghiêm trang, đưa tay chào cột mốc; những gương mặt chiến sĩ đẫm mồ hôi chợt sáng bừng lên... 

Bên cạnh niềm vui, nghề báo cũng có không ít ngậm ngùi,  gian truân và hiểm nguy,

nhất là khi thâm nhập thực tế viết bài điều tra. Đôi khi đã ngụy trang, đóng vai để dấn thân song chỉ cần sơ suất, để lộ hành vi là gặp nguy hiểm. Như lần đột kích chụp ảnh một điểm  khai thác cát trái phép bị phát hiện, chúng tôi bị ném đá và đuổi đánh, đành chân đất chạy chí chết, áo quần tả tơi, mặt mày tái mét.

Khi tình trạng khai thác cát sỏi  “nóng” lên ở thượng nguồn sông Hương, có thời điểm, những “ông chủ” được cấp phép khai thác mỏ cát ngang nhiên sử dụng giấy phép để khai thác xâm phạm qua diện tích của thôn Vĩ Dạ với khối lượng vượt trội. Muốn vào khu vực này để khai thác, những người làm nghề khai thác cát sỏi lẻ, phải đóng tiền cho các “ông chủ”. Nắm được vấn đề, chúng tôi tôi tức tốc lên đường giữa trời nắng nóng. Được sự giúp sức của người dân địa phương, tôi và một đồng nghiệp thuê một con đò vào “đại bản doanh” của những kẻ khai thác cát trái phép để ghi nhận thực tế. Quyết “lao vào điểm nóng”, bằng những chứng cứ thuyết phục và những hình ảnh sinh động, chúng tôi đã có bài viết  “Cột mốc biết đi”, góp phần tạo dư luận, buộc cấp có thẩm quyền phải khảo sát, xử lý, chấm dứt việc thu phí trái phép.

Chúng tôi vẫn còn nhớ  vụ việc “khui” một cán bộ lợi dụng công việc để khai thác khoáng sản ở huyện X. Khi bài báo của tôi được đăng, vị cán bộ này gọi điện cho tôi với những lời lẽ thách thức, đe dọa. Vị này còn bảo: “Ông có lá gan to bằng cái mâm à, sao dám đụng vào công việc của bọn tôi?”. Với nhiều thông tin điều tra trước đó đang “để dành”, tôi tiếp tục có một bài viết khác. Bài báo lần này đăng thì nhân vật hôm trước đe dọa tôi đã gọi điện “hạ giọng” vì những chứng cứ không thể chối cãi.

Đối với nghề báo, được sống bằng niềm đam mê, được dấn thân với nghề là một hạnh phúc. Trước cuộc sống bề bộn, người làm báo đối mặt với nhiều thử thách, cám dỗ. Nhưng với bản lĩnh của mình, chúng tôi vẫn ngày ngày xông pha trên mặt trận chống tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cổ vũ cái hay, trăn trở với những nỗi khó khăn, vất vả của nhiều số phận để  tìm cách kêu gọi xã hội chung tay sẻ chia...

Nhóm Phóng viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

Ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Huế. Sau thành công của hoạt động ra mắt hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport 2023, ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch.

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch
Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc (Happy Charity Fund)

Quỹ Từ thiện Hạnh Phúc hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế...

Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc Happy Charity Fund
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

TIN MỚI

Return to top