ClockThứ Tư, 18/05/2016 05:41

Hệ thống giao thông tĩnh: Khó về quỹ đất

TTH - Các phương tiện giao thông, nhất là ô tô phát triển ngày một nhiều, nhưng hệ thống giao thông tĩnh nói chung, các điểm đỗ xe nói riêng chưa được đầu tư đúng mức.

Chúng tôi có mặt ở bãi đỗ xe đường Đội Cung, chứng kiến sự chen lấn, giành giật chỗ đậu xe của các nhà xe. Anh Hà Văn Thông, một lái xe du lịch cho biết, tôi thường xuyên chở khách du lịch đến tham quan Cố đô Huế, nhưng lần nào đến Huế cũng khó khăn về chỗ đậu xe.  

Điểm quy định được đỗ xe trên địa bàn TP Huế rất ít

Thực tế cho thấy, lượng xe ô tô các tỉnh, thành đến Huế hàng ngày khá nhiều, song nhiều nơi chưa có điểm đỗ xe, khiến các chủ phương tiện lắm lúc loay hoay không biết đỗ xe ở đâu. Đời sống kinh tế người dân đang khá lên nên phương tiện giao thông ô tô đã và đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Điều đáng nói, phần lớn các tuyến đường giao thông ở Huế đều nhỏ hẹp, khiến việc đậu đỗ xe ô tô ở lòng đường đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc lưu thông trên đường phố. Điều này cho thấy, nhu cầu về các điểm đỗ xe ngày càng bức thiết và sẽ tăng lên theo thời gian.

Theo quy hoạch, có 27 bến xe; trong đó, 9 vị trí bến xe hiện trạng, 3 vị trí sơ bộ được xác định; 15 vị trí khác chưa được xác định. Hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm đến bến xe khách khu E – đô thị mới An Vân Dương và bến xe tải Phú Hậu. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư bến xe, nhưng do chưa được xác định vị trí, khoanh vùng sử dụng đất, các chính sách ưu đãi chưa ban hành nên nhà đầu tư rất khó khăn trong việc xây dựng dự án.

Xe du lịch đến Huế bức xúc về chổ đỗ xe

Bãi đỗ xe phục vụ di tích, văn hóa, có 11 vị trí bãi đỗ xe. Đa số các vị trí này đều có tổ chức trông giữ xe, tuy nhiên đa số đều đỗ trên lòng đường vào điểm tham quan làm ảnh hưởng đến cảnh quan và gây ùn tắc giao thông. Bãi đỗ xe khu vực trung tâm của thành phố, hiện nay quỹ đất trong nội đô dành cho giao thông tĩnh ngày càng khó bố trí. Dọc các tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Bến Nghé, Hà Nội, Hùng Vương… vào bất cứ thời điểm nào, chúng ta cũng thấy xe ô tô đỗ dọc đường. Điều này, vừa làm mất mỹ quan của thành phố, vừa ảnh hưởng rất lớn cho việc đi lại của người dân.

Sở Giao thông vận tải đã tiến hành rà soát các điểm đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch định hướng và điều tra các vị trí còn quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe. Theo đó, khu vực đường Lê Lợi đoạn gần Ga Huế, mở rộng mặt đường xuống bến thuyền 5 Lê Lợi bằng cách hạ một bên vỉa hè và thu hẹp bên còn lại vỉa hè để làm bãi đỗ, giữ lại lối đi bộ 1m, cũng như tận dụng mép phần đất tiếp giáp với bờ sông sau khách sạn 5 Lê Lợi. Hạ vỉa hè sát Bảo tàng Hồ Chí Minh (rộng 3,5m, dài 100m) đổ bê tông xi măng làm sân đỗ, sơn kẻ vạch. Khu vực đường Lê Lợi, Ngô Quyền, hạ một bên vỉa hè đường Lê Lai (sát Trường THPT Hai Bà Trưng) để phân ô, cho phép đỗ xe có thu phí.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Vào thời gian cao điểm, xe du lịch đỗ ở đường Đoàn Thị Điểm, 23 Tháng Tám, Lê Trực… gây bức xúc cho người và phương tiện tham gia giao thông. Để có nơi đỗ xe đúng quy định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn ở các điểm tham quan di tích Cố đô Huế sớm có bãi đỗ xe phù hợp; tránh tình trạng ùn tắc giao thông, để lại những hình ảnh không tốt trong mỗi du khách khi đến Huế”.

Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, một số vị trí do khó khăn về quỹ đất nên nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xây dựng dự án. Để ở các điểm tham quan có nơi đỗ xe thuận lợi, các đơn vị quản lý di tích, văn hóa nghiên cứu đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan, xác định sơ bộ quy mô quỹ đất cho bãi đỗ xe quanh khu vực vành đai bảo vệ di tích để có cơ sở công bố, kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

“Hiện nay hệ thống giao thông tĩnh ở TP. Huế rất bức xúc, nhưng có một số vị trí mặc dù đã quy hoạch nhưng khó khăn về quỹ đất và có nhiều trở ngại, nếu không quyết tâm sẽ rất khó triển khai” - ông Ngô Văn Tuân cho biết thêm. 

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 1.016.205m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.861 tỷ đồng và đến năm 2030 phát triển thêm khoảng 951.562m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.224 tỷ đồng.

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
ĐẢM BẢO AN NINH CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU:
Xây dựng hệ thống an ninh chung

Trong những năm gần đây, nhiều cú sốc khác nhau, bao gồm gián đoạn sản xuất liên quan đến đại dịch ở nước ngoài, gián đoạn các tuyến vận tải biển do cướp biển hoặc thời tiết khắc nghiệt, cũng như các lệnh trừng phạt…

Xây dựng hệ thống an ninh chung
Return to top