Sau khi TP. Huế và một số địa phương mở đợt cao điểm tầm soát dịch COVID-19, số ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng tăng cao, có ngày hơn 3 con số. Điều này cho thấy, các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã và đang tồn tại nhiều trong cộng đồng.
Điều này cũng dễ hiểu khi chính quyền và ngành chức năng bước đầu chuyển sang trạng thái phòng dịch mới, với nhiều biện pháp được nới lỏng. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường trở lại; trong lúc việc thích nghi, đảm bảo an toàn trong điều kiện vừa phòng dịch, vừa đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng, công tác phòng, chống dịch theo tinh thần thích ứng, linh hoạt đã giải tỏa được một áp lực lớn cho người dân, như không phải cách ly tập trung khi trở thành F1 do vô tình tiếp xúc với F0 nào đó; thậm chí có trường hợp cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, sau đó bị lây chéo trong khu cách ly. Các cơ sở cách ly cũng giảm được nhiều áp lực, tốn kém.
Điều đáng mừng là khi chuyển sang trạng thái phòng, chống dịch mới theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi hiệu quả; từ thành thị đến nông thôn, đa số người dân trở lại công việc thường ngày và đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuối tuần qua, các ý kiến đều khẳng định, chúng ta đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch, cần tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực…
Số ca F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã phần nào phản ánh hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, khi tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đến nay cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ mũi 1 trên 93%; mũi 2 trên 76% và trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ mũi 1 trên 89%. Tuy nhiên, thực trạng số ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm cho những người bị bệnh nền, người chưa tiêm chủng, hoặc người đã tiêm khi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin bị suy giảm theo thời gian.
Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Mục tiêu trong thời gian tới được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại cuộc họp cuối tuần qua là khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh về tiêm vắc-xin. Phấn đấu đến 15/12 và chậm nhất đến 31/12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền; tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi…
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song lộ trình phía trước vẫn còn nhiều cam go, phức tạp, khó lường. Trước mắt, rất cần sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành; đặc biệt là ý thức phòng, chống dịch của người dân trong việc thực hiện khuyến cáo 5 K+ vắc-xin, nhằm khống chế dịch bệnh, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác trong đời sống xã hội.
Đặng Thành