ClockThứ Sáu, 22/07/2022 21:06

Hiệu quả kinh tế là vấn đề cốt lõi

Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… Đó là quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 20/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16/6, hiện đang được nghiên cứu, học tập, quán triệt trong toàn Đảng.

Nghị quyết 20/NQ-TW khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Đây là nhu cầu khách quan, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn.

Thực tế ở nước ta, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã bao phủ rộng khắp trong các lĩnh vực sản xuất, phát huy vai trò trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta; đóng góp to lớn trong việc huy động sức người, của cải vật chất phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, các HTX cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Riêng ở Thừa Thiên Huế, theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 312 HTX; trong đó 218 HTX nông nghiệp, còn lại hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải, tín dụng, điện, môi trường, du lịch, công nghệ thông tin, khai thác cát, sỏi và dịch vụ khác... Tổng số thành viên HTX 172.475 thành viên; lao động thường xuyên trong HTX 38.535 người. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 3,3 tỷ đồng, lãi 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm. Nhìn vào thống kê trên chúng ta thấy, tuy diện bao phủ rộng, đa dạng các ngành nghề, nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX không cao, thu nhập của xã viên, người lao động còn thấp. Đây cũng là thực trạng chung của phần lớn các HTX trên phạm vi cả nước, nhất là các HTX nông nghiệp.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém Nghị quyết 20/NQ-TW chỉ rõ có cả chủ quan lẫn khách quan, từ nhận thức, cơ chế chính sách đến tồn tại, yếu kém trong nội tại của thành phần kinh tế này. Đồng thời, xác định quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 và năm 2045; các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, trước yêu cầu và xu hướng phát triển hiện nay, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, phương thức hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, lấy hiệu quả kinh tế là cốt lõi. Trong đó, cần sự năng động, sáng tạo của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là HTX trong việc tiếp cận các quy trình, phương thức sản xuất mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 Sản xuất quy mô hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài… là định hướng, giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Khi hoạt động hiệu quả, kinh tế tập thể không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho các thành viên, người lao động mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế nhờ hướng đi phù hợp

Chọn hướng đi phù hợp, làm giàu trên chính quê hương của mình, đó là cách những hội viên phụ nữ xã Quảng Phú (Quảng Điền) kiên trì, khẳng định bản thân mình trên con đường khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế nhờ hướng đi phù hợp
Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế

Việc áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp tháo gỡ.

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế
Return to top