Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn thông qua kênh tương tác phản ánh hiện trường Ảnh: TT
Thông tin trên được Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai hệ thống phản ánh hiện trường (PAHT).
Tai mắt từ người dân
Giữa tháng 8/2019, bà Nguyễn Thị Mười trú tại thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, TX. Hương Trà hoảng hốt khi phát hiện 100 bó củi bày bán dọc đường đã “không cánh mà bay”. Qua trình báo của bà Mười, cơ quan chức năng đã trích xuất camera thôn Liên Bằng và phát hiện vào thời điểm trên xe tải mang BKS 75C- 015.28 rời khởi hiện trường sau khi bốc số củi trên.
Nhờ manh mối này, Công an TX. Hương Trà vào cuộc làm rõ đối tượng là Trần Xuân Tr. (SN 1998, trú phường Hương Long, TP. Huế) điều khiển xe tải là người lấy trộm số củi trên và thu hồi toàn bộ trả lại cho bà Mười. Bà Mười cho biết, tôi tưởng đã mất hết toàn bộ số củi trên, nhưng không ngờ thông qua hệ thống camera ở thôn mà công an tìm lại được tài sản.
Thông qua trích xuất camera của thôn, đối tượng trộm 100 bó củi của bà Mười đã được xác minh, làm rõ
Việc triển khai giải pháp PAHT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương và du khách đến Huế ủng hộ cao. Có nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nâng ép giá du khách… được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định pháp luật thông qua các thông tin, hình ảnh được người dân phản ánh. Những vụ việc như xử lý nhóm đối tượng rải tờ rơi quảng cáo, rải vàng mã xuống sông Hương hay tìm người đánh rơi tiền để trả lại đã trở nên thường xuyên hơn thông qua PAHT.
Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an TP. Huế khẳng định, từ khi có hệ thống PAHT, lực lượng công an đã xử lý nhiều hơn các vụ việc vi phạm. Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng gây tai nạn giao thông bỏ trốn. Nếu như trước đây rất khó khăn trong việc truy tìm người gây ra tai nạn thì thông qua hệ thống camera và hình ảnh người dân cung cấp, công an đã lần theo dấu vết, đưa các đối tượng ra ánh sáng. Trong 8 tháng đầu năm 2019, có 13 vụ gây ra tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì được công an làm rõ 100%, trong đó hệ thống camera của đô thị thông minh hỗ trợ rất nhiều. Đã xử phạt nhiều trường hợp với số tiền hơn 82 triệu đồng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn thông tin, tính đến thời điểm này, có 104 cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động xử lý PAHT. Qua 6 tháng triển khai đã có gần 4.000 phản ánh của người dân gửi về. Qua xác minh có hơn 2.700 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý. Tổng số phản ánh có sự tham gia đánh giá mức độ hài lòng của người dân hơn 1.500 phản ánh, chiếm tỷ lệ 65%. Về phản ánh có tương tác của người dân là 553 phản ánh, chiếm tỷ lệ 24%.
“Hệ thống PAHT đã xây dựng được bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng, tham gia phản ánh, kiến nghị xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống cũng đã phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, khắc phục được hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý, phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức thực hiện theo mô hình cũ. Hệ thống xây dựng theo hướng mở, linh động và hình thành được phương thức quản lý mới, giảm bớt khâu quản lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại”- ông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.
Lợi ích muôn đời
Cán bộ Trung tâm IOC đang xử lý thông tin từ kênh phản ánh hiện trường
Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội Dương Đăng Khoa đánh giá, PAHT là một kênh “cảm biến xã hội” thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. Nếu như trước đây người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần chụp ảnh gửi đến Trung tâm IOC và từ đây chính quyền các cấp được tương tác, xử lý. Từ khi có PAHT, lãnh đạo phường mặc dầu phải xử lý vất vả hơn nhưng đằng sau việc xử lý rốt ráo các kiến nghị, người dân càng tin tưởng vào chính quyền hơn.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, toàn bộ công tác xử lý thông tin từ PAHT đều được tỉnh công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan. Việc phát triển dịch vụ PAHT thông qua Trung tâm IOC nhằm hướng đến mục tiêu làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội và phòng chống tội phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống PAHT vẫn còn những hạn chế như: một số tình huống phản ánh cấp bách hoặc nguy cơ rủi ro cao cần có cơ chế xử lý tức thời, nhưng chưa có trong quy định xử lý; nhiều phản ánh thời gian xử lý quá hạn, kéo dài; một số đơn vị chậm tương tác với người dân… “Cơ quan cấp xã, phường thiếu trang bị phương tiện như máy đo tiếng ồn, máy đo bụi bẩn trong không khí, trong nước thải sinh hoạt thì việc xử lý theo thẩm quyền hoặc quá hạn sẽ thường xuyên xảy ra. Đề nghị cần phân công rõ trách nhiệm hơn nữa để tránh chồng chéo dẫn đến xử lý quá hạn” - Phó Chủ tịch UBND phường An Đông Tạ Dương Anh Tuấn nói.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, xây dựng và vận hành tốt hệ thống PAHT là “lợi ích muôn đời”. Bởi nếu xử lý tốt những bức xúc của xã hội thông qua phản ánh của người dân là tạo niềm tin trong lòng Nhân dân, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, sẽ dành thêm nguồn lực để lắp đặt camera phủ kín các trục đường chính trung tâm TP. Huế và yêu cầu các cơ quan liên quan cần cộng đồng trách nhiệm hơn nữa trong việc tham gia giải quyết các phản ánh của người dân. Đồng thời, đề xuất nên lập nhóm zalo để có thể xử lý tốt hơn những phản ánh của người dân thông qua kênh PAHT.
Bài, ảnh: Thái Bình