ClockThứ Sáu, 07/01/2022 16:40

Hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng trọng tâm

Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 4/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%/năm.

Đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của nước ta. Tuy quý 4/2021, với việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, một số ngành vẫn chưa thể khôi phục hoạt động; không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Vì vậy, cần có sự trợ lực quy mô lớn, diện bao phủ rộng, thời gian đủ dài nhằm khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022-2023 là quy mô của chương trình này. Khác với những gói hỗ trợ trước đây, chương trình cũng xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào các lĩnh vực của chương trình chúng ta có thể thấy, diện bao phủ khá rộng, nhưng nguồn lực được phân bổ cụ thể cho từng lĩnh vực, chứ không phải chung chung. Mỗi lĩnh vực có mục tiêu, đối tượng cụ thể; có những lĩnh vực được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, có lĩnh vực hướng đến từng khu vực, từng nhóm đối tượng. Trong đó, vấn đề được quan tâm hàng đầu là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Bởi chỉ khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh mới có thể tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác.

Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng được ưu tiên bố trí nguồn lực lớn (110 nghìn tỷ đồng). Trong chương trình, cùng với doanh nghiệp, lần này các hợp tác xã được “chính danh” trong chương trình phục hồi. Thực tế ở nước ta, ngành nông nghiệp luôn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, với hàng chục triệu nông hộ, các hợp tác xã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản, tạo nguyên liệu đầu vào quan trọng cho rất nhiều ngành sản xuất, chế biến chủ lực có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” của đất nước như chế biến thủy sản, chế biến gỗ, rau củ quả… Nếu được hỗ trợ kịp thời, đúng trọng tâm không chỉ thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất mà còn tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo quy mô hàng hóa, chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo nhu cầu thị trường và theo đơn hàng, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; hay cảnh hàng nghìn xe nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía bắc như hiện nay…

Trên tổng thể là vậy, nhưng từng địa phương, từng ngành có những yêu cầu và mục tiêu cụ thể nên việc áp dụng các giải pháp phục hồi cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp với thực tế và diễn biến dịch bệnh. Điều quan trọng là hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng trọng tâm để tạo ra cú hích thực sự cho quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và cần sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Return to top