|
|
Gỗ tang vật của Vườn quốc gia Yok Đôn bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: TTXVN |
Vô số hiện tượng, vụ việc xảy ra. Đầu tiên phải nói đến lĩnh vực xây dựng ở đô thị và nông thôn. Nhà không phép, không thiết kế, xây trên đất công, đất nông nghiệp, phân lô bán nền, tăng chiều cao không phép… Những thực thể nhà, công trình đồ sộ, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng chính quyền cơ sở và những người chịu trách nhiệm quản lý thì dường như bị... "bịt mắt".
VTV nhiều lần đưa tin, từ ngày Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng rừng ở một số tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị “khai thác”, chặt phá nghiêm trọng. Nhiều vụ lâm tặc đưa phương tiện vào những khu rừng không xa trụ sở chính quyền, trạm kiểm lâm để đốn cây, cưa xẻ, vận chuyển, nhưng kiểm lâm, chính quyền vẫn “không biết gì”? Có những nơi tàu bè hút cát ầm ĩ suốt đêm ngày trên sông dù không có phép, nhưng chính quyền và lực lượng chức năng lại vẫn “không biết”, dù đã bị người dân ngăn cản và báo cho chính quyền cơ sở. Rất nhiều những trường hợp tương tự như vậy diễn ra không chỉ một vài nơi mà ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng người có trách nhiệm vẫn lập lại điệp khúc... “không biết”!
Những việc xảy ra ồn ào trong cơ quan, nhưng tổ chức và người đứng đầu dường như không thấy, không nghe, không biết. Nhiều vụ việc mười mươi, người có trách nhiệm phải biết hoặc có thể đã biết, nhưng khi dư luận ồn ào, chuyện vỡ lở, người đứng đầu địa phương vẫn mặc nhiên trả lời báo chí “không biết”. Trước mỗi sự vụ, khi quan chức trả lời “không biết” thì người dân không biết họ nói thật hay nói dối, không tin đâu là sự thật, đâu là trốn tránh trách nhiệm, đâu là tiêu cực. Người ta nhìn vào một số cán bộ với cái nhìn thiếu thiện cảm, mất tin tưởng.
Nói như vậy không có nghĩa là cán bộ muốn nói gì thì nói, nói thiếu trách nhiệm với dân, với lĩnh vực mà họ đang được giao quản lý. Cấp có thẩm quyền phải có giải pháp để buộc những quan chức nhiễm hội chứng “không biết” không thể chối bỏ trách nhiệm. Có 2 trường hợp có thể xảy ra. Khi họ nói “không biết”, tức là họ đã tự nhận yếu kém năng lực, thiếu sâu sát, quan liêu. Nếu như vậy thì không còn xứng đáng với vị trí mà họ đang giữ, có nên để họ giữ cái ghế đó nữa không? Một nền công vụ minh bạch, thượng tôn kỷ cương, phép nước, đề cao trách nhiệm giải trình, rất cần phải triệt tiêu hội chứng “không biết”. Bên cạnh đó, cần xem có gì khuất tất, cố ý bao che cho vi phạm hay có tình bỏ qua để trục lợi. Rơi vào trường này khá nhạy cảm và rất có thể là chiếm tỷ lệ cao trong vô số kiểu trả lời nhưng rất khó chứng minh vi phạm. Chiêu bài trả lời không biết chỉ là cái trò lẩn trốn trách nhiệm, trốn tránh kỷ luật hoặc né tránh tội “thiếu trách nhiệm” khi pháp luật đụng đến. Bởi vì người ta cứ cho là không biết để phủi sạch tay, che giấu hành vi bao che hoặc lợi dụng để trục lợi từ những phi vụ như vậy.
Cả 2 trường hợp được nêu đều là tiêu cực, dù là có biện minh cách nào chăng nữa! Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi trở thành hội chứng, căn bệnh không thể chấp nhận. Nếu để kéo dài trong bộ máy công vụ sẽ làm suy giảm lòng tin của nhân dân, sự tin tưởng của Đảng đối với hàng ngũ lãnh đạo, nhất là cấp cơ sở. Nhưng quan trọng hơn là làm hư hỏng cán bộ chỉ vì chỉ biết dối trá, thiếu trung thực, tiêu cực trong thi hành công vụ. Cao hơn nữa là lợi dụng kẽ hở để tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, tự chuyển hóa trở thành kẻ chống lưng, bảo kê cho vi phạm.