ClockThứ Ba, 07/11/2017 08:58

Khẩn trương khắc phục thiệt hại

TTH.VN - Đến sáng 7/11, nhiều tuyến đường ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) vẫn ngập ngập nước. Người dân đã khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một số hộ nuôi cá lồng mất trắng, thiệt hại rất nặng nề.

Quặn ruột vì mất trắng

Ông Lê Viết Trung, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cùng một số cán bộ lội vào thôn Tây Thượng, nơi có nhiều hộ nuôi cá lồng bị lũ “cướp” trắng. Trên bè cá, dưới màn mưa, ông Hoàng Văn Nhung, chủ bè vẫn bàng hoàng trước toàn bộ tài sản vốn liếng của gia đình đổ sông đổ bể. 20 lồng cá đủ các loại như điêu hồng, rô phi, ba sa, trê, cá giống..., loại 1,2 kg -1,5 kg sắp xuất bán, loại đã 0,7- 0,8 kg, loại mới thả nuôi, phần bị bể lồng “trôi sông”, phần bị lũ dữ cuốn ngộp nước, va đập vào nhau chết sạch. Hơn 20 tấn cá thịt bây giờ chỉ còn non tạ, nhưng cũng đang tả tơi, lờ đờ sắp chết hết. Thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nhung (mặc áo phao) vẫn bàng hoàng vì tài sản bị lũ cướp sạch

Ông Nhung tìm ca nước lập cập uống mấy ngụm. “Họng đắng quá, khô cứng cả lại suốt từ hôm qua đến giờ”- người đàn ông tuổi ngoài năm mươi, bao năm “lăn lộn” với nghề nuôi cá lồng, từng nếm trải không ít lần thiệt hại vì thiên tai, giọng tê tái. Ông Nhung run run kể, lúc 3 giờ sáng ngày chủ nhật (tức 5/11), nước lên nhưng mọi sự vẫn bình thường. Vậy mà chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, lũ đổ về xiết quá, lồng bắt đầu bể. Thế nhưng, lúc đó mọi người phải rời bè lên bờ ngay để đảm bảo tính mạng. “Đứng nhìn vốn liếng tài sản của gia đình, tiền vay mượn ngân hàng bị nước lũ “cướp” trắng mà không làm gì được. Đau. Đau quặn ruột. Sau tai họa này, tôi chỉ có nước đành dẹp bè, đưa lồng bán sắt vụn. Tiền đâu nữa mà đầu tư!”.

Bè cá hơn 20 tấn nay chỉ còn chưa đến 1 tạ cá (nhưng cũng lờ đờ sắp chết) của ông Hoàng Văn Nhung

Ông Chương, người gửi 2 lồng cá chép coi (cảnh) để nuôi tại bè ông Nhung, cũng mất trắng. Vốn liếng, tiền vay 400 triệu đồng, ông Chương đổ hết vào 2 lồng cá này, mất sạch. Ông Lê Viết Trung cho biết, trên địa bàn xã có 14 hộ nuôi cá lồng, thì cả 14 hộ đều thiệt hại nặng nề.

Chạy lũ cứu hoa

Ngoài những hộ nuôi cá lồng, trên địa bàn xã Phú Thượng có hơn 50 hộ trồng hoa phục vụ dịp tết, tập trung ở các thôn La Ỷ, Lại Thế, Ngọc Anh. Với thực trạng mức ngập nước mấy ngày qua, thời điểm nặng nhất là 0,8 mét, hoa nhiều hộ bị ngâm nước. Theo người dân, nhiều năm qua không có lụt lớn nên người trồng hoa không đầu tư sắm giàn (để kê chậu hoa khi nước ngập). Trận lụt này quá lớn. UBND xã nhận công điện thông báo thủy điện xả lũ, lập tức thông báo cho người dân trên hệ thống loa truyền thanh, nhưng các hộ trở tay không kịp. “Nước lên nhanh quá, cứ chỗ nào cao, chúng tôi “chạy” hoa đến. Gia đình tôi trồng 1 nghìn chậu, vốn liếng đổ vào đó 7-8 chục triệu đồng, chạy được phân nửa. Hoa bị ngập, nguy cơ chết là 70%. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi lập tức ưu tiên thời gian công sức cho việc rửa bùn trên từng cánh lá. Quá trình tiếp theo sẽ dùng thuốc để “chữa” cho những cây bị bệnh sau khi bị ngâm nước. Nếu thời tiết không nắng nóng, hy vọng sẽ cứu được, dù chất lượng hoa sẽ có giảm sút”, ông Nguyễn Tuấn Tiến chia sẻ.

Vườn hoa tết của một hộ ở Phú Thương đã được rửa sạch bùn, hy vọng sẽ sống

Hộ ông Lê Văn Tuấn cũng trồng hơn 1 nghìn hậu hoa, bị ngập nước toàn bộ. Tuy nhiên, đến chiều ngày 6/11, cả vườn cúc đã được rửa hết bùn, xanh mướt trở lại. Hộ ông Trần Anh Nhân đầu tư 1.400 chậu hoa, ½ bị ngập, cũng đã được chăm sóc cẩn thận. “Tất cả các hộ đều khẩn trương khắc phục, chăm sóc hoa, hy vọng cứu được tài sản, vốn liếng, công sức, ổn định cuộc sống”- ông Lê Viết Trung chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top