Ngoài các phương tiện ngang qua địa bàn vi phạm, hàng ngày, người dân vẫn chứng kiến nhiều phương tiện quá khổ, quá tải mang biển số 75 dọc ngang trên các tuyến đường. Đáng sợ nhất là những xe tải chở gỗ tràm đã bóc vỏ chất cao ngút lặc lè từ các cánh rừng ra tỉnh lộ, quốc lộ. Loại gỗ này rất trơn, chỉ cần phương tiện bị dồn số, hay thắng gấp thì gỗ sẽ lao xuống đường với gia tốc rất lớn. Đã có nhiều trường hợp người đi đường tử vong vì bị gỗ trên xe lao phải.
Vào cuối năm ngoái, xe 75H-6744 chở gỗ tràm từ La Sơn về Chân Mây, khi qua địa bàn xã Lộc Tiến, do xe chở quá nặng bị mất lái, lật chỏng 4 bánh lên trời, gỗ tràn ra đường gây ách tắc giao thông. Thậm chí có phương tiện chất cao quá, phía sau quá nặng nên khi lên dốc đã mất thăng bằng bị chỏng ngược cả 2 bánh trước lên, gỗ lao xuống đường, như vụ xảy ra trên đèo Phước Tượng, đối với phương tiện của doanh nghiệp Sơn Hùng... Riêng mới trung tuần tháng 6 ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải, lực lượng đã phát hiện bắt giữ hàng chục phương tiện vi phạm, tạm giữ hơn 10 phương tiện và tước giấy phép lái xe trên dưới 30 trường hợp; trong đó, vi phạm nhiều vẫn là phương tiện chở gỗ tràm.
Việc chấn chỉnh hoạt động xe quá khổ, quá tải không chỉ mới thực hiện lần này mà đã được Ủy Ban ATGT Quốc gia triển khai từ năm trước, trên phạm vi toàn quốc, với nhiều biện pháp quyết liệt, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Phương tiện chở quá khổ, quá tải không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Mỗi năm, Nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu đường. Song, nhiều tuyến đường mới thi công xong đã bị nứt rạn, hằn lún bánh xe, mà nguyên nhân chính là do xe quá khổ, quá tải gây ra.
Nhiều lái xe cho rằng, nếu chở đúng tải trọng thì thu nhập sẽ hạn chế, thậm chí thua lỗ. Suy luận theo kiểu này thì giá cước vận chuyển hiện nay có vấn đề. Song, trong thực tế, từ khi triển khai kiểm soát tải trọng, giá cước vận tải đã nâng lên. Chẳng hạn một tấn hàng từ TP Hồ Chí Minh ra Huế trước đây chỉ 900 ngàn đồng, nay tăng lên gần 2.500.000 đồng. Các phương tiện chở hàng hóa, vật liệu nội tỉnh cũng đã tăng giá cước.
Có thể, còn nhiều vấn đề tồn tại đối với giá cước vận tải hiện nay cần được quy định, tính toán lại một cách hợp lý hơn; từ cước vận chuyển đường dài đến cước vận chuyển nội tỉnh, kể cả việc mức phí bảo trì đường bộ của mỗi phương tiện trong điều kiện phương tiện đảm bảo tải trọng, không gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, thì đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra kiểm soát để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do chở quá khổ, quá tải gây ra!