Bức xúc
Quan sát tại tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết, ngày cũng như đêm, có hàng trăm chuyến xe tải chở than chạy với tốc độ cao hướng ra Quốc lộ 49A. Đây là xe của các doanh nghiệp tư nhân; Tuyết Liêm, Công ty Vận tải Hùng Đạt, trung chuyển than từ bãi của Công ty CP Cảng Thuận An đến các nhà máy. Dọc tuyến đường này, nhà người dân thường đóng cửa suốt ngày. Ông Nguyễn Đào, một hộ dân ở khu vực này bức xúc: “Trước đây lượng than theo tàu hàng về cảng ít, thời gian gần đây, hàng về nhiều, các xe tải “giành chuyến” thi nhau chạy với tốc độ cao, không chỉ gây nguy hiểm cho bà con lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết ra Quốc lộ 49A, mà than còn rơi vãi ra đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào mùa nắng cũng như mùa mưa”.
Than rơi vãi từ khe thùng xe, gây ô nhiễm trên đường Nguyễn Văn Tuyết
Tháng 4/2016, đại diện 24 hộ dân ở thôn Tân Cảng đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Công ty CP Cảng Thuận An yêu cầu hạn chế, giải quyết tình trạng ô nhiễm của các xe tải gây ra. Tuy nhiên, từ đó đến nay, theo các hộ dân, công ty này chỉ tiến hành tưới nước ở đường ra vào cổng cảng nên tình trạng ô nhiễm từ than cám trên tuyến đường này vẫn chưa được khắc phục. Sau mỗi lượt xe tải chạy qua, mặc dù có che chắn bạt đầy đủ nhưng nhiều xe do chở lượng than lớn, bạt bị rách; than cám bám ở khe thùng xe gây rơi vãi không chỉ trên tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết mà còn ra Quốc lộ 49A.
Theo chân một chiếc xe tải từ cổng Cảng Thuận An, hướng ra đường lộ. Xe chạy tốc độ cao, vượt luôn đèn đỏ từ đường Nguyễn Văn Tuyết cắt ngang Quốc lộ 49A, chạy dọc tuyến Quốc lộ rồi theo Tỉnh lộ 10, vòng lên đường Tự Đức- Thủy Dương để nhập than cho các nhà máy. Trên đường đi, than cám rơi vãi mù mịt trên đường và cầu.
Cũng tại tuyến đường này, buổi tối, nhiều xe đầu kéo chở gỗ từ cảng ra với nhiều khúc gỗ tròn dài hơn thùng xe khoảng 10 mét, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông tại đây. Theo quy định, tải trọng cho phép tại các cầu trên đoạn đường này tối đa chỉ 35 tấn. Tuy nhiên, theo dự đoán của chúng tôi đa số các xe trên đều có tổng tải trọng trên 45 tấn, vượt quá trọng cho phép của cầu.
“Đã làm hết trách nhiệm?”
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Đến nay vẫn chưa nhận được sự phản ánh của người dân. Về xe quá tải so với tải trọng cầu thì có lực lượng chức năng kiểm tra. Còn việc xe chở than cám gây rơi vãi, ô nhiễm sắp tới thị trấn sẽ làm việc với các bên liên quan, nắm tâm tư nguyện vọng của bà con nhằm có hướng xử lý phù hợp”.
Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An, thừa nhận: Thời gian qua, các phương tiện xe tải của các chủ xe và chủ hàng thuê xe chở than cám lưu thông ra vào cảng chưa che đậy kỹ thùng xe, chạy quá tốc độ và gây rơi vãi, ô nhiễm môi trường đối với các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Tuyết.
Về tình trạng ô nhiễm, ông Đông cho biết: “Bình quân hàng năm, hàng qua cảng không nhiều, khoảng 100.000 tấn. Trong thời gian này, hàng than cám về cảng có phần nhiều hơn mọi năm nên lượng xe chở lớn, gây tình trạng ô nhiễm đối với các hộ dân sống gần cảng. Ngay sau khi nhận đơn phản ánh của các hộ dân, công ty đã tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan, làm việc cụ thể với các chủ xe, chủ hàng và tiến hành tưới nước ở điểm gần cổng cảng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm”. Ông Đông khẳng định: “Chúng tôi căn cứ vào tải trọng cho phép của xe để đối chiếu hàng hóa, nếu trường hợp quá tải sẽ phải bốc dỡ hàng. Chắc chắn các xe rời cảng chúng tôi đều không quá tải. Một số phương tiện chở gỗ tròn dài quá thân xe sau khi qua cân tải trọng, cảng đều yêu cầu cắt gỗ nhằm đảm bảo quy định”. Cũng theo ông Đông, công ty cũng đã cố gắng “làm hết trách nhiệm”, các hộ dân sống gần cảng hàng thì cũng như nhà máy, ít nhiều phải chịu tác động, đó là điều bất khả kháng.
Ông Cao Quốc Trung, Đội trưởng Đội quản lý Quốc lộ 1 Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Đường bộ 2) cho biết, đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm quản lý trên tuyến quốc lộ. Về xe chở quá tải so với tải trọng cầu đường, ông Trung cho rằng, hiện trên tuyến đường Quốc lộ 49A có khá nhiều cầu bị hạn chế tải trọng, nếu xử phạt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hàng hóa lưu thông, khó cho các doanh nghiệp vận tải.
Hà Nguyên