ClockThứ Tư, 04/01/2017 09:01

Khởi động của du lịch

TTH - Một lễ đón tiếp trang trọng dành cho 200 khách đã được tổ chức tại sân bay Phú Bài – đây là những vị khách đầu tiên đến Huế bằng đường hàng không vào ngày đầu tiên của năm mới 1/1/2017.

Trước đó, việc triển khai hợp tác phát triển du lịch giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã được tổ chức vào ngày 30/12. Định vị thương hiệu vùng như một điểm đến có giá trị; liên kết quảng bá và xúc tiến du lịch thông qua các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, tổ chức và đón các đoàn famtrip và presstrip Việt Nam và quốc tế đến khảo sát du lịch…để đạt đến mục đích chính là phát huy tốt hơn tiềm năng, hiệu quả ở lĩnh vực hoạt động này tại ba địa phương trong năm 2017 đã được thống nhất và xây dựng. Đây có thể xem là những hoạt động đầu tiên của một năm mới, là sự kế thừa và tiếp nối kết quả của những năm trước. Điểm mới của hoạt động này là bước đầu xây dựng mối liên kết ba địa phương + 1 với sự tham gia lần đầu tiên của Sở Du lịch Hà Nội khi cùng nhau xuất bản tập gấp chung về chương trình văn hóa, thể thao và du lịch ở 4 điểm đến.

Riêng với Thừa Thiên Huế, đây cũng là những khởi động của năm 2017 trong việc xây dựng một điểm đến thân thiện, an toàn, giá trị và thú vị trên mục tiêu đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh thông qua. Có những tiêu chí cụ thể vẫn tiếp tục được khẳng định, chẳng hạn như văn hóa di sản vẫn là sản phẩm chủ lực; bên cạnh đó là những yêu cầu về việc phải phát triển được các loại hình, sản phẩm mới dựa trên tiềm năng tài nguyên như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, làng nghề truyền thống, nhà vườn, các loại hình vui chơi, giải trí, mua sắm; các không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực…để kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của du khách khi đến và trải nghiệm Cố đô.

Đích đến, với những chỉ tiêu cụ thể của năm 2017 là phấn đấu đạt 3,5 đến 3,7 triệu lượt khách, tăng 10% - 12% so với 2016 (trong đó 45% - 50% là khách quốc tế); khách lưu trú cũng tăng ở tỷ lệ 12% với con số kỳ vọng là khoảng 2 triệu lượt. Doanh thu du lịch phấn đấu đạt được con số 3,7 -3,8 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với 2016. Đây cũng được xem như là bước đi quan trọng để xác lập lại một ngành kinh tế lâu nay vẫn được xác định là mũi nhọn, đồng thời kiến tạo cho một sự đột phá trên chính lĩnh vực này trong giai đoạn 2017 – 2020.

Hẳn nhiên, sẽ có nhiều công việc sẽ đồng thời cùng vận hành để phát huy cho được mục đích và mục tiêu đã đề ra, như hoàn thiện môi trường du lịch, cải cách hành chính tốt hơn nữa, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quản lý về du lịch… Điều ấy cũng một lần nữa cho thấy quyết tâm của Thừa Thiên Huế ở lĩnh vực hoạt động này.

Không sự quyết tâm nào lại có thể thiếu vắng quyết tâm, sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm ở những con người cụ thể. Đây có lẽ cùng là điều được kỳ vọng nhất về một sự thay đổi để du lịch sẽ khởi động và “chạy” tốt trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top