ClockThứ Ba, 15/11/2016 05:46

Không có chuyện bán cát biển ở Thuận An

TTH - Một số người dân ở thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho rằng, chính quyền địa phương lợi dụng cải tạo, chỉnh trang tuyến đường ven biển sau mưa bão để bán cát. Xác minh, làm việc với các bên liên quan cho thấy, không có tình trạng bán cát biển tại đây.

San ủi cát khỏi tuyến đường ven biển Thuận An nhằm tránh tình trạng cát bay, lấp, phục vụ du lịch

Sau nhiều đợt mưa, bão vừa qua, một số tuyến đường ven biển ở thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận bị cát bồi lấp do gió thổi, sóng đánh lên bờ, gây khó khăn trong việc đi lại, phát triển du lịch cũng như tiềm ẩn nguy cơ cát bay cát lấp. Chính quyền địa phương đã trích kinh phí thuê xe múc, đẩy cát khỏi đường bị lấp và tái tạo lại mặt bằng, chỉnh trang bờ biển.

Tại thị trấn Thuận An, tuyến đường bê tông thuộc thôn Hải Thành dài khoảng 300m, bị cát bồi dày khoảng 0,3m. Nhiều xe ủi, nhân công đã được huy động cào cát, đảm bảo thông đường, tránh tình trạng cát xâm thực. Một số hộ dân phản ánh khi cải tạo tuyến đường ven biển, số cát dôi dư sau khi đã tái tạo lại mặt bằng, UBND thị trấn Thuận An không đưa vào bãi tập kết gần đó mà chở đi khỏi địa bàn. Người dân nghi ngờ có chuyện lợi dụng cải tạo đường để bán cát biển. “Nhiều ngày nay thấy xe chở cát ra khỏi bãi cả mấy chục chiếc, chạy vào mấy thôn trong thị trấn mà không biết bán hay cho người khác san lấp mặt bằng?!”, bà M., một hộ bán nước giải khát gần bãi biển Thuận An bày tỏ.

Sau khi san ủi cát, bãi biển Thuận An được chỉnh trang, dọn rác

 

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Vang cho biết, về quy định số cát dôi dư sau khi cải tạo phải có bãi tập kết, không được vận chuyển ra khỏi địa bàn. Việc cải tạo, san ủi cát khỏi các tuyến đường ven biển là cần thiết để thông tuyến đường, phục vụ du lịch và tránh tình trạng cát xâm lấn sau bão. Một số địa phương tận dụng cát dôi dư cho nhà trường, phục vụ công tác dạy học, chương trình xây dựng NTM tại địa phương là việc làm thiết thực. Quá trình triển khai cần minh bạch, có giám sát của chính quyền địa phương, tránh gây dư luận trong Nhân dân.

Anh Lê Văn Hảo, bảo vệ bãi tắm Thuận An cho biết: “Do nhiều trận bão vừa rồi làm lấp tuyến đường du lịch ven biển nên thị trấn có thuê xe ủi đẩy cát, san lấp lại mặt bằng. Thấy cát dôi dư ra nhiều nên các trường học thấp trũng trên địa bàn có xin “vài chục xe” về san lấp mặt bằng sân trường, tránh ngập úng”.

Thầy Nguyễn Văn Thái, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Thuận An thừa nhận, nhà trường có xin số cát dôi dư ra khi UBND thị trấn Thuận An cải tạo tuyến đường ven biển. “Thấy dãy phòng học sau của trường nền bị thấp, vào mùa, mưa nước thường ngập do không có cống thoát nước, học sinh, cô thầy rất vất vã nên Ban Chấp hành Hội Phụ huynh đã tự bỏ kinh phí thuê xe chở, máy xúc cát và nhân công san lấp với kinh phí 230 nghìn đồng/xe (loại 4m3/xe). Nhà trường đã xin tổng cộng 20 xe cát để san lấp nền. Chủ trương này do Ban Chấp hành Hội Phụ huynh yêu cầu và nhà trường có tờ trình để xin cát, được UBND thị trấn Thuận An chấp thuận. UBND thị trấn không thu bất cứ nguồn kinh phí nào”, thầy Thái khẳng định.

Tương tự, số cát biển trên cũng được UBND thị trấn Thuận An “biếu” cho các trường mầm non, THCS Phú Tân… với số lượng 80 xe san lấp, nâng nền chống ngập úng. Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An khẳng định, không có chuyện chính quyền thị trấn bán cát biển cho nhà trường và các hộ có nhu cầu san lấp. “Thực tế mỗi mùa bão, khối lượng cát bồi lấp lên các tuyến đường rất nhiều. Số cát dôi dư ra sau khi san lấp nếu không cho nhà trường cũng chẳng biết mang đổ đi đâu. Cho nhà trường san lấp, nâng nền chống ngập úng, giúp công tác dạy và học được tốt hơn. Chính quyền địa phương không thu bất cứ nguồn kinh phí nào, nhà trường, hội phụ huynh tự bỏ kinh phí để vận chuyển, san nền trường. Trong quá trình thực hiện, có sự giám sát của cán bộ thị trấn và đại diện hội phụ huynh, nhà trường”, ông Đủ khẳng định.

Tại xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy cho biết, tuyến đường ven biển dài 800m sau mưa bão thời gian qua cát lấp khá dày trong khi nhà văn hóa thôn Xuân An có nhu cầu nâng nền do khu vực này thấp trũng. Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thôn Xuân An xin số cát dôi dư ra để nâng mặt bằng nền của thôn lên. “Trong quá trình triển khai, xã có cử cán bộ về hiện trường theo dõi, giám sát. Quán triệt với trưởng thôn Xuân An không được bán một xe cát nào. UBND xã cũng cho một ít xe cát để san lấp ao hồ trong Trường THCS Phú Thuận để trồng cây, khi trường này có tờ trình gửi xã để xin cát”, ông Tùy cho biết.

Hà Nguyên 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật”

Chiều 1/11, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với Đoàn trường THPT Thuận An (TP. Huế) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật” cho học sinh của trường để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) năm 2024.

Hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top