ClockThứ Sáu, 27/07/2018 09:31

Không nhanh sẽ mất việc

TTH - Nhìn vào con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chúng ta phần nào thấy được bức tranh đào tạo này.

Một số ngành nghề sẽ biến mất, một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện và lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao… trước tác động của cuộc cách mạng 4.0. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Nghề phổ biến nhất trên thị trường hiện nay và sự biến động dưới tác động của kỷ nguyên số- vai trò của dịch vụ việc làm công”, tổ chức tại TP. Huế trong 2 ngày 24-25/7 vừa qua. Đón nhận thách thức và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 như thế nào là bài toán đặt ra không chỉ đối với người lao động mà cả các quốc gia.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng 4.0 dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, phương thức phân phối, trao đổi, tiêu dùng, thay đổi cơ cấu tổ chức của xã hội dẫn đến thay đổi quy mô, tính chất, cơ cấu của lực lượng lao động. Đó không chỉ là quá trình tự động hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế con người mà còn là trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, robot thế hệ mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano.

Nhìn lại trình độ, năng suất lao động ở nước ta hiện nay có nhiều vấn đề phải quan tâm. Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Sigapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan…, thậm chí chỉ bằng 87,4% của Lào. Năng suất lao động thấp, một phần do trình độ công nghệ của chúng ta thấp, tỷ lệ lao động giản đơn cao và một phần do trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc của người lao động  không cao. Trong khi đó, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ nước ta hiện nay khá thấp, phấn đấu năm 2018 nâng tỷ lệ này 23-25%.

Một thông tin khác được VTV đưa gần đây là Việt Nam thiếu trầm trọng kỹ sư thực hành và lao động có tay nghề cao. Các doanh nghiệp luôn săn đón và có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút những lao động này nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, rõ ràng việc đào tạo nghề của nước ta hiện nay có vấn đề, cả về cơ cấu lẫn chất lượng đào tạo.

Nhìn vào con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại kỳ thi  THPT Quốc gia 2018 chúng ta phần nào thấy được bức tranh đào tạo này. Đó là có khoảng 2/3 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng (trên 688 nghìn/ 925 nghìn thí sinh dự thi)  và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng có trên 455 nghìn (hơn 50% số thí sinh dự thi). Tại Thừa Thiên Huế tỷ lệ này còn cao hơn (có 1.882/12.474 thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển công nhận tốt nghiệp THPT). Điều này cho thấy, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, chưa tạo sự đột phá trong nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của học sinh.

Theo dự báo của các chuyên gia tại hội thảo, đến năm 2025, có khoảng 80% số công việc là công việc mới chưa hề xuất hiện hiện nay. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội việc làm mới, ở những lĩnh vực mới, nhưng với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn. 

Từ nay đến 2025 không còn xa, nếu ngành giáo dục không có sự chuyển mạnh về cơ cấu đào tạo, nhất là việc bổ sung các ngành nghề mới và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sẽ còn tăng cao. Trong khi đó thị trường lao động vẫn tiếp tục thiếu lao động có tay nghề. Đó là lãng phí lớn trong đào tạo.

 Với người lao động, việc chọn nghề cũng cần gắn với xu hướng chuyển dịch của thị trường lao động để đón đầu cơ hội; đồng thời chú trọng hơn các kỹ năng mềm, nhất là ngoại ngữ, tin học để sẵn sàng hội nhập. Không tự hoàn thiện mình, bị tụt hậu thì mất việc làm không còn là nguy cơ mà đến rất sớm.

Minh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới

Bắt đầu từ năm 2025, các em học sinh cuối cấp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thay đổi hình thức ra đề thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với chương trình giáo dục mới đang được các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và xã hội đặc biệt quan tâm.

Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới
Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Return to top