ClockThứ Sáu, 30/09/2022 17:07

Kiểm tra, xác minh tài sản thu nhập: Cần thực chất

TTH - Trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã dành một mục lớn (Chương 2) quy định về kiểm tra, xác minh tài sản thu nhập của những người thuộc diện kê khai. Đó là cơ sở pháp lý cho cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ.

Chú trọng thu hồi tài sản hay xử lý hình sự với tham nhũngKiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi tháng 4/2022. Ảnh: TTXVN

Theo quy định, hàng năm cơ quan phải có kiểm tra một tỷ lệ nhất định số người thuộc diện. Mới đây một số địa phương đưa ra “bốc thăm”, “chọn ngẫu nhiên” để kiểm tra kê khai tài sản trong các cơ quan, đơn vị thì rộ lên dư luận xã hội và trong một bộ phận Nhân dân với những phản ứng, bình luận trái chiều. Cho rằng “chọn ngẫu nhiên” là để lọt đối tượng tham nhũng.

Kê khai tài sản là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập bất minh của đảng viên, cán bộ có chức quyền trong phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về tăng cường chỉnh đốn Đảng đã xác định: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định”. Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua năm 2018 đã quy định những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập bao gồm đối tượng, cách thức và kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập. Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều trong Luật Phòng, chống tham nhũng “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”… Như vậy, xác định việc kê khai tài sản thu nhập, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền là việc làm cần thiết, thường xuyên và là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, hàng năm có những đối tượng phải kê khai, bổ sung định kỳ và người chuẩn bị bổ nhiệm, bầu cử... phải được tổ chức kiểm tra, xác minh với một số đối tượng, không kể là lãnh đạo hay cán bộ cấp dưới. Tại khoản d, mục 1 điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên”. Số cơ quan, tổ chức tối thiểu là 20% và số lượng người thuộc diện kê khai tối thiểu là 10%.

Ở nhiều địa phương có nhiều người diện kê khai thì đó là một tỷ lệ lớn, dễ gây quá tải cho tổ chức, kéo dài thời gian, không đáp ứng yêu cầu. Cách chọn làm “bốc thăm”, “chọn ngẫu nhiên” của các địa phương là không sai và đã được quy định trong luật.

Cách chọn ngẫu nhiên tránh được áp đặt của người có thẩm quyền đối với đối tượng thuộc diện quản lý, thể hiện công bằng, minh bạch, khách quan. Đối tượng được (bị) kiểm tra, xác minh đồng thuận, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, tránh được tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, cách làm này cũng chưa nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội với những bình luận trái chiều. Cho rằng, trong một cơ quan có số lượng nhiều người thì xác suất “ngẫu nhiên” chung cho tất cả sẽ làm cho số nhân viên bị kiểm tra nhiều hơn, tỷ lệ lãnh đạo ít hơn so với cấp dưới. Cứ theo cách “ngẫu nhiên” này có khi lãnh đạo, người đứng đầu nhiều năm không “được” (bị) kiểm tra. Lặp lại như vậy (dù không cố tình) sẽ làm cho kiểm tra, xác minh mất ý nghĩa, để lọt đối tượng “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, không thể kiểm soát tài sản bất minh của đối tượng cần kiểm tra. Mặt khác, dù lựa chọn ngẫu nhiên nhưng không khó khi người ta có thể tác động trong từng tổ chức, không tránh khỏi thiên vị, thiếu khách quan…

Công cuộc phòng, chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt, đối tượng có chức, quyền dính đến tham nhũng ngày càng bị phát hiện nhiều. Kê khai tài sản, thu nhập ở nhiều nơi đang còn “nằm trên giấy”, một bộ phận cán bộ giàu lên nhưng không giải trình được nguồn gốc thu nhập thì kiểm tra, xác minh cần phải làm thực chất, bài bản hơn. Cách làm cần tránh hình thức tạo nên dư luận bàn tán, bình luận theo hướng không đồng tình. Khi làm để xảy ra sơ xuất, thiếu chặt chẽ, không minh bạch, “trên nhẹ, dưới nặng” làm mất lòng tin của quần chúng.

Nên chăng trong kiểm tra, thay vì làm ngẫu nhiên chung tất cả thì nên phân ra đối tượng là lãnh đạo, người có điều kiện tham nhũng và cán bộ cấp dưới. Như vậy, tỷ lệ xác suất vào đối tượng là người có chức quyền cần kiểm tra nhiều hơn, giảm được kiểu ngẫu nhiên, hành chính.

Đối tượng kiểm tra trong một cơ quan, tổ chức quá nhiều nếu không phân loại dễ bị “đánh đồng”, “vơ đũa cả nắm”, tổ chức sẽ không kham nổi, làm thiếu chính xác. Sau khi kiểm tra, xác minh thì cần được công khai, minh bạch, xử lý đứng mức, bình đẳng bất kể đó là lãnh đạo hay cán bộ cấp dưới.

Kê khai và kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập phục vụ cho phòng, chống tham nhũng, nhưng đồng thời là cơ sở cho kê biên, tịch thu tài sản cho thi hành án. Không thể xem thường và tạo dư luận phản ứng không hay trong Nhân dân.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TP. Huế: Lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các bếp ăn tại trường học

Trước thực trạng một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn ở các trường học gây ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh xảy ra trên cả nước thời gian qua, UBND TP. Huế đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học, mầm non, cơ sở mầm non dân lập, tư thục có bán trú trên địa bàn.

TP Huế Lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các bếp ăn tại trường học

TIN MỚI

Return to top