ClockThứ Ba, 29/05/2018 09:11

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận 3 dự án Luật

Ngày 29/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, tại phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 28/5. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngày 29/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, tại phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về: dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Sau khi nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng.

Dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 47 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, một số vấn đề chung tiếp tục trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Chương II); phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng (Chương III); bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2 và khoản 3 Điều 26)...

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Luật Cảnh sát biển được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển gồm 8 chương, 49 điều, quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam; hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; về tổ chức và bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; về quản lý nhà nước, trách nhiệm của các Bộ, ngành chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam...

Luật Đặc xá được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, có hiệu lực từ ngày 01/3/2008. Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Do đó, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 39 điều, quy định về các nguyên tắc thực hiện, thời điểm, chính sách của Nhà nước trong thực hiện đặc xá và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá; Đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước; Đặc xá trong trường hợp đặc biệt; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; Khiếu nại, tố cáo.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào ba nội dung: một là, quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; hai là, bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và ba là, bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top