ClockThứ Sáu, 08/12/2023 08:47

Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VIII: Chất vấn tập trung vấn đề y tế, giáo dục-đào tạo, an ninh

TTH.VN - Sáng 8/12, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề: giáo dục và đào tạo; y tế; trật tự xã hội.

 

-           

08h37

*Ở nhóm vấn đề giáo dục, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Hoàng Đăng Khoa nêu câu hỏi: Việc thu học phí và các khoản thu trong các cấp học trên địa bàn  tỉnh  hiện nay diễn ra như thế nào? Hiện nay,  nhiều địa phương đã miễn toàn bộ học phí cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch gì cho nội dung này?

 Đại biểu Hoàng Đăng Khoa nêu câu hỏi: Hiện nay,  nhiều địa phương đã miễn toàn bộ học phí cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch gì cho nội dung này?

Đại biểu Hà Văn Tuấn nêu thắc mắc về vấn đề tích hợp sách giao khoa, giải pháp từ ngành giáo dục?

Đại biểu Trần Gia Công đề nghị thông tin về việc lựa chọn sách giáo khoa hiện nay? Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Minh Nguyệt mong muốn thông tin thêm về công tác dạy luân phiên, hoạt động này có làm cho việc học bị gián đoạn, có ảnh hưởng cho học sinh không?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân trả lời chất vấn:

Về thu học phí đã được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19 với mức thu giữ nguyên. Đây là sự chia sẻ trong tình hình khó khăn nói chung hiện nay. Bậc THPT cao nhất 90 ngàn đồng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân  trả lời chất vấn 

Nghị quyết 05 giúp ngành giáo dục thực hiện việc theo dõi, giám sát các khoản thu chi trong trường học. Bán trú mức thu 18-30 nghìn đồng. Thực hiện mức này tránh tình trạng lạm thu. Tăng cường sự tham gia của phụ huynh vào hỗ trợ công việc học tập của học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cùng với việc giám sát của các cơ quan báo chí, nên tránh việc lạm thu.

Hiện có 7 tỉnh thực hiện miễn học phí cho học sinh. Riêng Thừa Thiên Huế nếu miễn trong 1 năm phải cấp bù 300 tỷ đồng. Đây là một khó khăn trong điều kiện nguồn thu đang thấp. Học phí hiện nay không cao. Sắp đến, ngành giáo dục tham mưu UBND tỉnh có hướng miễn giảm hợp lý.

Liên quan chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, hiện mới đổi mới sách giáo khoa (SGK) cho lớp 1, lớp 6; đến năm 2025 sẽ  đảm bảo đổi mới sách giáo khoa từ lớp 1-12. Theo chương trình có một số môn tích hợp liên môn: khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý. Chỉ đạo các phòng cấp huyện sắp xếp bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo thực hiện chương trình đổi mới và môn tích hợp liên môn.  Tuy nhiên, nguồn lực đào tạo và đào tạo lại rất lớn, nên trước mắt tận dụng nguồn lực hiện có. Nên giáo viên dạy học tích hợp liên môn đang được tập huấn, bồi dưỡng thêm; tăng cường về cơ sở dự giờ để nắm và tổ chức thêm các lớp tập huấn trao đổi kinh nghiệm nâng cao. Đảm bảo vừa hoàn thành chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, vừa đảm bảo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về khó khăn, thuận lợi trong lựa chọn SGK, ông Nguyễn Tân cho biết, thực hiện chọn SGK theo Thông tư 01 đối với lớp 1, năm học 2020-2021, giao toàn bộ việc chọn sách cho 184 trường, tổng hợp báo cáo gửi về Sở GDĐT tổng hợp gửi Bộ và NXB đăng ký việc trang cấp cho học sinh. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong việc chọn sách. Sau đó Bộ GDĐT ban hành Thông tư 25 thay thế Thông tư 01, thực hiện lựa chọn SGK năm học 2021-2022 đến nay, giao UBND tỉnh thành lập hội đồng, việc làm này ổn hơn, phù hợp hơn rất nhiều so với trước đây. Phát huy vai trò của hội đồng trong việc lựa chọn phù hợp với điều kiện của tỉnh"

08h51

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình giải trình thêm về nhóm vấn đề giáo dục:

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: "Tôi đánh giá những đổi mới liên quan đến giáo dục đó là những đổi mới mang tính bản lĩnh"  

Giáo dục tác động lớn đến xã hội, các vấn đề đại biểu nêu được Chính phủ và Nhà nước quan tâm.

Tỉnh thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, xác định giáo dục là thế mạnh của Thừa Thiên Huế, ban hành nhiều văn bản cho ngành, đặc biệt là Nghị quyết 29, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong xu thế phát triển.

Tôi đánh giá những đổi mới liên quan đến giáo dục đó là những đổi mới mang tính bản lĩnh, mong các đại biểu ủng hộ các phương án đổi mới, nhằm để học sinh tiếp cận nền giáo dục hiện đại, giảm tải những kiến thức vĩ mô, nặng về lý thuyết.

Trước mắt sẽ điều chỉnh nội dung và thời gian tích hợp phù hợp; quan tâm đến vấn đề đào tạo; giảm thời gian về học lý thuyết.

Hiện nay, tỉnh chi cho giáo dục đều vượt so với bình quân chung của cả nước.

 

 

08h54

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương làm rõ một số nội dung về giáo dục:

Sau khi làm rõ một số vấn đề, ông Phương cho biết, tỉnh luôn ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục. Nguồn chi cho giáo dục chiếm hơn 40% so với tổng nguồn chi của tỉnh. Theo thống kê, hiện tỉnh thu khoảng  300 tỷ đồng tiền học phí mỗi năm. Tỉnh đang hướng đến miễn học phí như một số địa phương sau khi cân bằng ngân sách.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương  cho biết,  nguồn chi cho giáo dục chiếm hơn 40%  tổng nguồn chi của tỉnh 


09h01

* Chất vấn nhóm vấn đề về y tế:

Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh chất vấn: Qua theo dõi và báo cáo của một số Trung tâm Y tế cấp huyện (Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc), hàng năm, đều thiếu hụt tiền lương để chi trả cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế, có trung tâm chậm trả lương từ 1 -2 tháng, làm cho đời sống của đội ngũ y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên?

 Đại biểu Hoàng Trọng Bửu nêu câu hỏi về  tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Thừa Thiên Huế  ở  mức cao 

Đại biểu Hoàng Trọng Bửu nêu câu hỏi: Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Thừa Thiên Huế vẫn ở mức sinh cao và không giảm (cụ thể năm 2021: 15,4%, năm 2022 tăng lên 15,8% và 11 tháng đầu năm giảm xuống còn 15,7% (chỉ giảm 0,1% so với năm 2022). Với cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về lĩnh vực này, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm rõ nguyên nhân của tình hình trên, trách nhiệm và giải pháp của ngành trong thời gian tới?

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo trả lời chất vấn:

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo Hiện Sở Y tế  thông tin, đang triển khai đồng bộ nhiều gói nâng cao năng lực y tế cơ sở 

Hiện Sở Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều gói nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong đó, gói nâng cấp, cải tạo cho 31 trạm y tế cấp cơ sở; xây mới Bệnh viện Đa khoa Bình Điền và Trung tâm Y tế Quảng Điền với tổng 75 tỷ đồng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 95 tỷ đồng. Bệnh viện A Lưới hơn 33 tỷ đồng. Bệnh viện Mắt 54 tỷ đồng. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và Mỹ phẩm 58 tỷ đồng; xây dựng hệ thống nước thải y tế tại các đơn vị khám chữa bệnh hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng chú trọng đến việc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh trên 66 tỷ đồng. Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền 10 tỷ đồng; Trung tâm Y tế TP. Huế hơn 220 tỷ đồng… nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Vấn đề sinh con thứ 3 của đại biểu Hoàng Trọng Bửu nêu, ông Trần Kiêm Hảo đã chỉ ra những địa phương sinh con thứ 3 trở lên cao như A Lưới, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền… Theo phân tích, những gia đình sinh con thứ 3 phần lớn do sinh 2 con 1 bề và một số lý do khách quan. Hiện sở đang tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí cho công tác kế hoạch hóa giá đình. Tham mưu có chế tài xử lý người sinh con thứ 3 trở lên; các cấp, các ngành xây dựng tiêu chí giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 bền vững. Đồng thời, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.


09h29

Liên quan đến vấn đề thu hút nhân lực cho ngành y tế được một số đại biểu nêu, ông Trần Kiêm Hảo cho biết, để thực hiện các chỉ đạo về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh đảm bảo tỉ lệ bác sĩ trên 1.000 dân, cụ thể là 10-12/1.000 dân.

Năm 2023 đã tuyển được 13 bác sĩ, với chính sách thu hút bước đầu có hiệu quả. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao tỉ lệ này. Về định mức nguồn lương được phân bổ hợp lý. Tuy nhiên do tác động khách quan một số đơn vị không đảm bảo nguồn thu như: A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông… Vấn đề chống quá tải cho tuyến trên, 141 trạm y tế xã, phường đã có bác sĩ, đảm bảo được chức danh việc làm.

Hiện, Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở nhằm giảm tải cho tuyến trên.

Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, tổng số bác sĩ trên địa bàn tỉnh là 2.560 người, trong đó bác sĩ đa khoa là 2.240 người, bác sĩ có trình độ sau đại học là 320 người. Dân số trung bình của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 là 1.134.000 người.

09h34

* Nhóm vấn đề trật tự an toàn xã hội

Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn: Trong những năm qua tỉnh ta đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan đô thị, góp phần thay đổi diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Tuy vậy, công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn nhiều bất cập và hạn chế, gây bức xúc và ảnh hưởng đến người dân. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép; xây dựng cơi nới trên vỉa hè; xây dựng không che chắn; đổ vất vật liệu xây dựng không nơi quy định. Còn nhiều nơi, nhiều điểm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán; lắp đặt các mái che, mái vẫy không đúng quy định gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Kính đề nghị UBND thành phố Huế cho biết đã, đang chỉ đạo giải quyết tình trạng trên như thế nào? Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp nào để triển khai chấn chỉnh trên địa bàn tỉnh?

Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn: "Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan đô thị"

Đại biểu Trần Quốc Thắng chất vấn: Xu hướng tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp; đề nghị Giám đốc Công an tỉnh cho biết tình hình phòng chống, xử lý tội phạm này trên địa bàn tỉnh và kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh: Hiện nay, tình hình tội phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày càng diễn biến phức tạp, các đối tượng này gọi điện thoại, chiếm quyền sử dụng các facebook, zalo cá nhân… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng nhiều hình thức. Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh cho biết ngành đã có giải pháp gì để ngăn chặn và đấu tranh đối với loại tội phạm này? Đồng thời, có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng ngừa?

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng đề nghị : Giám đốc Công an tỉnh cho biết, năm 2023, chúng ta đấu tranh và phát hiện xử lý hình sự 195 vụ/339 đối tượng, tăng 52 vụ so với năm 2022 (36,36%). Đây là nỗ lực lớn của ngành công an, xin đồng chí cho biết nguyên nhân gia tăng tội phạm ma túy? Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết công tác cai nghiện ma túy tại xã, phường và các cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh; riêng năm 2023, có 64 trường hợp đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, từ trước đến nay có bao nhiêu trường hợp cai nghiện thành công?

09h37

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn:

 Đại tá Nguyễn Đình Thừa:  Phấn đấu đến tháng 10/2024 xây dựng 9/9 địa bàn cấp huyện “sạch về ma túy”

Hiện nay, tội phạm công nghệ đang là vấn nạn của toàn thế giới, các máy chủ, tội phạm hoạt động trên không gian mạng nên rất khó xử lý triệt để. Về các phương thức thủ đoạn, chủ yếu là đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của con người.

Thời gian qua, lực lượng công an phối hợp với ngành chức năng phát hiện hơn 60 triệu lượt mã độc, ngăn chặn 170.000 lượt phát tán mã độc, hơn 500 email nói xấu… phát hiện 31 lỗ hổng nghiêm trọng đề nghị xử lý.

Công an bắt nhiều vụ tội phạm công nghệ cao và phối hợp với cơ quan tố tụng đưa ra xét xử nhiều vụ việc nhằm răn đe, giáo dục. Tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc. Phát động phong trào toàn dân đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Khuyến cáo người dân đảm bảo thông tin bí mật tài khoản cá nhân, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Cảnh giác các thủ đoạn gọi điện thông báo về việc vi phạm.

Chúng tôi khẳng định, cơ quan công an không thông báo qua điện thoại. Không chuyển tiền qua tin nhắn, các trang mạng kể cả người thân; việc chuyển tiền nhầm cũng hết sức cảnh giác. Đặc biệt lưu ý thủ đoạn dùng công nghệ AI để chiếm quyền thông tin. Không cho mượn căn cước công dân. Không kết bạn với người nước ngoài và chuyển hình ảnh nhạy cảm cho họ.


10h06

Về vấn đề tội phạm ma túy gia tăng, ông Nguyễn Đình Thừa cho biết, hiện trên địa bàn có 480 người nghiện, gần 700 người sử dụng, có 2.000 người có dấu hiệu sử dụng... nên lượng cung cao hơn theo quy luật. Tội phạm ma túy siêu lợi nhuận (sau mua bán vũ khí...), mặc dù chế tài, bua khung hình phạt rất nghiêm khắc (3/13 Điều luật có án tử hình và 9/13 Điều luật có án chung thân), song các đối tượng bất chấp thực hiện hành vi phạm tội.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đặc biệt là hoạt động giải trí tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm kéo theo tội phạm ma túy gia tăng. Trong năm 2023, phát hiện 20 vụ/bắt 113 đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; so với cùng kỳ 2022 phát hiện nhiều hơn 09 - 81,82%; trong đó, có 12 vụ/94 đối ; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhiều hơn 04 vụ/80 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù Công an tỉnh đã tổ chức cam đoan, cam kết các chủ cơ sở, song qua kiểm tra vẫn còn nhiều cơ sở có nhiều đối dượng dương tính chủ yếu là thanh thiếu niên. Thời gian tới, Công an tỉnh tập trung trấn áp mạnh tội phạm này, đặc biệt thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh phấn đấu đến tháng 10/2024 xây dựng 9/9 địa bàn cấp huyện “sạch về ma túy”. Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng vào cuộc và người dân cùng tham gia cung cấp thông tin liên quan để chung tay đẩy lùi ma túy.

Trả lời về vấn đề cai nghiện, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh hình thức cai nghiện tại cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, nguyên nhân do tâm lý e ngại; sự quan tâm của cộng đồng…

 Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc: "Hình thức cai nghiện tại cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, nguyên nhân do tâm lý e ngại; sự quan tâm của cộng đồng…". 

Đối với cai nghiện bắt buộc chỉ có duy nhất 1 cơ sở trực thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi cũng đã tham mưu, báo cáo tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở này.

Chúng tôi đề nghị ngành công an tiếp tục hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự ở các trung tâm cai nghiện trong thời gian tới; các địa phương cũng cần quan tâm đến công tác cai nghiện tại cộng đồng, có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp.

10h09

Phiên chất vấn kết thúc, riêng vấn đề cai nghiện ma túy,  Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu lưu ý cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn, ông Lê Trường Lưu đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, giải quyết các nội dung đã nêu. Riêng nhóm chất vấn chương trình mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, vấn đề này sẽ được triển khai sau khi HĐND tỉnh thực hiện chương trình giám sát vào năm 2024.

 

                                                                                                                                                            Nhóm Phóng viên thời sự (thực hiện)  

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ.

Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ
Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
Khai mạc Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021-2026:
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều điểm nhấn

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Tấn Tới, UVTW Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế - xã hội (KTXH) của Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều điểm nhấn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều điểm nhấn

TIN MỚI

Return to top