Thứ Ba, 16/09/2014 23:34
(GMT+7)
Kỹ năng ứng dụng
TTH - An toàn, bảo mật thông tin, biên tập trang thông tin điện tử và biên tập ảnh, sử dụng phần mềm kế hoạch dự án, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chữ ký số, thư điện tử, xử lý bảng tính nâng cao và sử dụng phần mềm dùng chung của tỉnh là những nội dung chính yếu của kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn 2014 – 2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt vào đầu tháng 9-2014.
Có thể nhận thấy là việc bồi dưỡng kỹ năng này sẽ được thực hiện phần lớn trong khoảng thời gian của năm 2015. Hiệu quả của việc sử dụng 400 triệu đồng là tổng nguồn kinh phí của kế hoạch này như thế nào sẽ được trả lời bằng chính thao tác, vận hành của các trưởng phòng, phó trưởng phòng; ban biên tập trang thông tin điện tử, cán bộ, công chức, viên chức thuộc văn phòng, phòng kế hoạch - tài chính và cán bộ phụ trách kế toán của các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố Huế. Đây cũng là một trong những hành động tiếp theo của phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tiếp tục đưa Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh mạnh về CNTT-TT. Trong đó, có những mục tiêu đã được xác định một cách cụ thể là đến năm 2015, 95% văn bản của các cơ quan ban ngành trong tỉnh được lưu chuyển dưới dạng văn bản điện tử qua mạng. 100% CBCNVC từ cấp tỉnh đến phường, xã sử dụng thư điện tử thường xuyên cho công việc và 100% cơ quan Nhà nước triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng...
Việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin này còn là yêu cầu để khai thác, phát huy hạ tầng dùng chung cũng như vận hành tốt hơn hiệu quả của các trang thông tin điện tử cấp tỉnh và huyện (toàn tỉnh hiện có 60 trang TTĐT, nhưng chỉ có khoảng 50% số trang phát huy hiệu quả); tiếp tục xây dựng môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị với người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là điều cực kỳ cần thiết bởi lẽ, những nguy cơ từ lỗ hổng an ninh mạng tại Việt Nam theo một công bố của Công ty an ninh mạng Bkav là 50% và có những trang web tại Việt Nam có hơn 150 lỗ hổng nguy hiểm. Đó cũng là vấn đề cần phải tính đến và ngăn ngừa, trước hết là những rủi ro trong lộ thông tin thẻ tín dụng, doanh nghiệp bị lộ bí mật kinh doanh, bị đánh cắp thông tin... Tuy nhiên, vấn đề cần chú trọng ở đây là vai trò và kỹ năng của con người khi làm việc trên thế giới mạng. Lỗ hổng an ninh có thể được vá lại, những rủi ro có thể được tầm soát từ các chuyên gia nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Không có kỹ năng hoặc thiếu sự đồng bộ về kỹ năng trong thao tác và vận hành, sẽ có nhiều lỗ hổng phát sinh và không ai nói trước được sẽ mang đến những nguy cơ và rủi ro gì tiếp theo khi vận hành các hoạt động của chính quyền điện tử các cấp.
Lê Nguyễn