ClockThứ Ba, 17/01/2023 13:19

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Sáng 17/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023).

Chuyện chiếc bàn trong hội đàm ParisViệt Nam là biểu tượng hòa bình50 năm Hiệp định Paris: Nhìn lại bài học lớn rút ra từ mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Dự lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự sự kiện.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris tham dự.

Cùng dự có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao; đại diện gia đình thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng gia đình; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đối ngoại, cơ quan tham gia đàm phán, thực thi Hiệp định Paris; một số đại biểu quốc tế đã trực tiếp và gián tiếp góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tặng hoa các thành viên đoàn đàm phán dự lễ kỷ niệm gồm: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản, nguyên thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Hà Đăng; nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Văn Trình; nguyên Vụ trưởng, nguyên cán bộ phiên dịch của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Ngạc.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao, tạo nên truyền thống và bản sắc riêng của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải, chính nghĩa và công lý: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!".

"Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển phồn vinh.

"Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20" - Bộ trưởng nói. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào" với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.

"Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đọc diễn văn kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, nhìn lại cuộc đấu tranh ngoại giao đưa đến ký kết Hiệp định Paris là ôn lại một chặng đường hào hùng trong lịch sử dân tộc, lan tỏa và giáo dục truyền thống vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam độc đáo và đặc sắc. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

"Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và tinh thần Hội nghị Paris, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trong không khí xúc động, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại những kỷ niệm về quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Paris. "Cuối năm 1968, tôi được chỉ thị của Đảng là tham gia đàm phán ở Paris. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy, giao cho tôi trọng trách lớn. Trong gần 5 năm, tôi đã tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, là 1 trong 4 người đã ký vào Hiệp định Paris", bà nói.

Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris nhận định: "Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định đi đến giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, gian khổ của cả dân tộc". Bà cũng tri ân các chiến sĩ và đồng bào đã hi sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam. "Có thể nói sự đoàn kết và ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới đã đem lại thêm sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như ở trên bàn đàm phán", bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Khẳng định yếu tố quyết định thắng lợi của Hiệp định Paris là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ tự hào về dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng quang vinh; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đất nước sẽ phát triển mạnh và bền vững.

Ông Hà Đăng, thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ ra rằng, việc Mỹ đặt bút ký Hiệp định Paris đã đặt vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình ngang hàng với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William P. Rogers. Điều đó cũng là sự công nhận của Mỹ với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công nhận sự độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Nhấn mạnh việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi của ngoại giao Việt Nam, ông Hà Đăng cảm động vì lễ kỷ niệm được tổ chức cũng là sự vinh danh xứng đáng những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao, "tuy hai là một, tuy một là hai" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Hélène Luc, Thượng Nghị sỹ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt khẳng định, dù 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, nhưng những tình cảm và niềm vui trong bà vẫn vẹn nguyên.

Theo bà, toàn thể thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam, chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bà Hélène Luc hồi tưởng: "Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và thành phố Choisy Le Roi (nơi ở của hai đoàn đàm phán). Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình."

Cũng tại lễ kỷ niệm, Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Ngoại giao Nguyễn Đồng Anh, cho biết, thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất. "Càng trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng tôi càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, phải ra sức gìn giữ và phát huy cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó", đại diện thanh niên Bộ Ngoại giao phát biểu.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng

Ngày 12/12, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024). Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các ông: Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng
Return to top