ClockThứ Năm, 13/07/2017 14:06
DOANH NGHIỆP ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC CÁT, SỎI Ở DƯƠNG HÒA:

Lo sạt lở đe dọa

TTH - Người dân Dương Hòa tiếp tục kiến nghị về việc UBND tỉnh cấp phép cho một doanh nghiệp (DN) khai thác cát, sỏi trên đoạn sông qua địa bàn, trong khi bờ sông đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đất đai, giao thông và tài sản của dân.

Một điểm sạt lở ăn sâu vào đường bê tông trên đường liên xã Dương Hòa - Hương Thọ

Nguy cơ trước mắt

Ngay cả khi không được cấp phép, thì khu vực thượng nguồn của dòng Tả Trạch đi qua địa phận xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) đã là đoạn sông được nhiều đò khai thác cát, sạn trái phép khiến người dân phải nhờ đến các cơ quan chức năng can thiệp.

Đến nay, người dân xã Dương Hòa càng thêm lo lắng khi đầu năm 2016, UBND tỉnh cho phép Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát (gọi tắt là Công ty Hồng Phát) khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi thôn Hộ (khu A) và bãi Gia Đào (khu B), thời gian khai thác 5 năm, trên diện tích rộng 5,1 ha.

Khi UBND tỉnh có quyết định cho phép Công ty Hồng Phát khai thác cát, sỏi trên địa bàn, người dân xã 2 thôn Hộ - Buồng Tằm không đồng tình và kiến nghị nhiều lần đến lãnh đạo các cấp mỗi dịp tiếp dân, tiếp xúc cử tri và cả đơn thư. Tháng 9/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh, trong đó cho rằng: khu mỏ được cấp phép cho Công ty Hồng Phát khai thác tiếp giáp với đất trồng hoa màu của 12 hộ dân và khu vực cấp phép là bãi bồi. Nội dung trên không được người dân Dương Hòa thống nhất, vì cho rằng kết quả khảo sát trên chưa đúng và thiếu chính xác so với thực tế.

Một điểm sạt lở gần đường bê tông liên thôn ở Dương Hòa

Ông Nguyễn Vinh (60 tuổi, thôn Buồng Tằm) nói: “Bãi Hộ và bãi Gia Đào không phải là bãi bồi lòng sông như Sở TN&MT đánh giá mà là những vùng sản xuất đang bị sạt lở nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân. Các vùng sản xuất này gồm các lô, khoảnh có số hiệu D65, D175, D175, rộng khoảng 3 ha thuộc xứ Cồn Rệ theo trích lục địa bộ và bản đồ giải thửa của làng Dương Hòa.

Từ rất xưa, để bảo vệ vùng đất này, người xưa đã gia cố đầu bờ bãi bằng cừ tre, gỗ lim và xây kè bằng đá hộc, hiện vẫn còn dấu tích. Thông tin cho rằng, khu mỏ tiếp giáp với đất trồng hoa màu của 12 hộ dân cũng không đúng. Thực tế, khu vực này hiện có khoảng 30 ngôi nhà kiên cố và là vườn tược, sinh kế của hơn 60 hộ dân. Cả hai khu mỏ A và B đều gần với các công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo, như: đình làng Dương Hòa, nhà sinh hoạt cộng đồng, niệm phật đường, nhà thờ…”

Ông Vinh dẫn chúng tôi thăm những ngôi nhà kiên cố, những vườn thanh trà trĩu quả trên khu vực được khảo sát là “đất hoa màu” và những điểm sạt lở. Thực tế cho thấy, trong các điểm sạt lở, có ít nhất 3 điểm đang đe dọa trực tiếp đến đường giao thông liên thôn, khi phần đất lở chỉ còn cách mép đường khoảng 3-5 m. Nghiêm trọng hơn, trên tuyến giao thông liên xã nối Dương Hòa – Hương Thọ (thị xã Hương Trà), cách ranh giới 2 xã không xa có một điểm đường bị sạt lở, ăn sâu vào mặt đường bê tông.

Không đồng tình với văn bản của UBND tỉnh (tháng 5/2017), trả lời kiến nghị của người dân Buồng Tằm, trong đó có đề cập “việc khai thác cát, sỏi có thể gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như các công trình lịch sử, văn hóa” đã được “các chuyên gia đánh giá, cơ quan chuyên môn thẩm định”, ông Lê Cẩn (75 tuổi) bức xúc: Hiện trạng bờ sông đã bị sạt lở rồi. Nếu những bãi bồi như thềm phòng hộ đó cũng bị lấy đi nữa thì bờ kè nào có thể bảo vệ được đất cho hai thôn Hộ - Buồng Tằm?

Có thể không giao cho DN

Người dân thật sự đang rất lo lắng. Đó là điều mà chúng tôi cảm nhận rất rõ từ  những câu chuyện của người dân. Chưa nói đến những điểm sạt lở đang hiện rõ trước mắt, thì họ vẫn chưa quên việc cách đây ba năm, DNTN Phú Vĩnh được cấp mỏ khai thác cát sỏi trên sông ở Dương Hòa, nhưng đơn vị không chấp hành đúng giấy phép, khai thác vượt phạm vi của khu mỏ được cấp, làm sạt lở dọc bờ sông, khiến người dân bức xúc. Nay lại thêm Công ty Hồng Phát và lời hứa “sẽ có phương án bồi thường hợp lý”. Tuy nhiên, điều mà người dân mong mỏi nhất hiện này là có một phương án nào đó nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân trước nguy cơ sạt lở trước mắt, chứ không phải là sự đền bù khi việc đã rồi.

Theo ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, dù chưa có trong tay trích lục địa bộ làng có số hiệu các lô đất như người dân phản ảnh, nhưng xác định vẫn còn dấu tích bờ kè được người xưa làm để bảo vệ đất, chứng tỏ đây là khu vực sản xuất của người dân. Hơn nữa, khu A của mỏ gần với nhiều hộ dân đang sinh sống và có cả lăng mộ, nên nếu cho phép khai thác cát, sỏi thì nguy cơ lở bờ sông và tác động đến đất đai trong vùng rất lớn.

Vì những lý do trên, khi đoàn cán bộ cấp trên về khảo sát cho việc cấp mỏ, xã đã không đồng ý và không ký vào biên bản. “Ngay cả khi DN Hồng Phát đã được cấp phép khai thác cát, sỏi vùng đất này, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục kiến nghị để cấp trên xem xét lại quyết định. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh cân nhắc và xem xét lại việc cho phép này nhằm đảm bảo an toàn tài sản đất đai, hoa màu, nhà cửa của người dân và các công trình quan trọng trong khu vực”, ông Thức nói.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: “Thực tế cho thấy, dù đoạn sông này không khai thác cát, sỏi thì tình trạng sạt lở vẫn diễn ra vì nhiều nguyên nhân, thậm chí đe dọa cả bên kia sông, phía thôn Lương Miêu, do khu vực bãi bồi ngày càng rộng ra phía lòng sông. Theo chủ trương của UBND tỉnh, không nhất thiết phải giao cho Công ty Hồng Phát hay bất cứ DN nào khai thác cát, sỏi trong khu vực mà người dân đang lo lắng, nhưng việc uốn nắn lại dòng chảy trên đoạn sông này thì phải thực hiện. Trong trường hợp không giao cho DN, liệu người dân Dương Hòa có thể đảm nhận việc này không? Người dân trong khu vực có thể họp bàn để thống nhất thực hiện việc này theo quy mô nhóm hộ, thậm chí là thành lập HTX để thực hiện. Quan trọng nhất vẫn là phải uốn lại dòng chảy, đảm bảo dòng chảy hài hòa cho cả hai bên bờ sông”.

 

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô

Do dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật chưa có, UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh (gọi tắt DA phục hồi rạn san hô).

Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô
Return to top