ClockThứ Năm, 31/10/2019 11:56

Mở rộng quy mô TP. Huế là nhu cầu khách quan cho phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

TTH.VN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định như vậy sáng 31/10, trong buổi thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội trường sáng 31/10. Ảnh: Minh Quân

Mở đầu bài phát biểu, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đồng tình với báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ. Ông cho rằng, cử tri đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được Quốc hội thông qua. Cử tri vui mừng khi năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp 12/12 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, năng suất và sức cạnh tranh nền kinh tế, các hoạt động đổi mới, sáng tạo có những tiến bộ đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng cho rằng, những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị khu vực, dịch bệnh, thiên tai vẫn là những khó khăn, thách thức trong thực tiễn. Đáng nói là sự bất cập, chồng chéo trong tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật vẫn là những rào cản trong đầu tư, phát triển. Nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.

Mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, cử tri Thừa Thiên Huế bày tỏ sự phấn khởi và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm động viên và hỗ trợ kinh phí bước đầu để triển khai di dời dân cư đang sinh sống tại khu vực I Kinh thành Huế. Xác định đây là cuộc di dân lịch sử, Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ đối với công tác bồi thường, di dời, tái định cư. Dự kiến trong năm nay sẽ di dời khoảng 450 hộ đang sinh sống tại Thượng Thành.

“Công việc di dời với quy mô lớn về dân cư, phạm vi cũng như kinh phí sẽ tập trung vào năm 2020, vì vậy cử tri, chính quyền Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn tất giai đoạn 1 vào cuối năm 2020”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Quy mô TP. Huế đang chật chội

TP. Huế đã quá chật chội cho nhiệm vụ bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Toàn

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, song song với nỗ lực đầu tư chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP. Huế và các vùng phụ cận.

Quá trình phát triển, TP. Huế với vai trò là đô thị trung tâm, đô thị di sản, thành phố môi trường, thành phố xanh nhưng với quy mô diện tích 70km2 (chỉ bằng 42% diện tích theo chuẩn thành phố thuộc tỉnh), dân số 345.000 người, mật độ dân cư trên 5.000 người/km2 (so với chuẩn 2.000 - 3.000 người/km2), mật độ xây dựng đã đạt 80% diện tích xây dựng.

“TP. Huế đang đứng trước áp lực gia tăng dân số, hạ tầng xã hội quá tải, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo kết nối, đồng bộ; vùng ven TP. Huế đã đô thị hóa từ lâu, nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn. Quy mô TP. Huế đã quá chật chội cho nhiệm vụ bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”- ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ trước Quốc hội.

Do đó, việc mở rộng địa giới hành chính TP. Huế là nhu cầu khách quan, là điều kiện để Huế phát triển với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những đô thị lớn của Quốc gia, là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống và làm việc tốt nhất. Và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Cố đô Huế, là cơ sở và điều kiện để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới TP. Huế sẽ ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với một số địa phương cấp huyện lân cận.

“Cử tri Thừa Thiên Huế mong muốn được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thành và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính TP. Huế đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Huế cũng như ổn định mô hình các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của địa phương”- Chủ tịch UBND tỉnh mong mỏi.

Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp

Công an Thừa Thiên Huế kiểm tra phát hiện nhiều người sử dụng ma túy tại một quán bar

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng quan tâm đến tnh trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất và sử dụng các chất ma túy diễn biến phức tạp. Đồng thời cho rằng, trong thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng Công an các địa phương đã tập trung các đợt cao điểm triệt phá nhiều tụ điểm sản xuất, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, nhưng số lượng người sử dụng, nghiện ma túy trong xã hội vẫn không giảm, có chiều hướng tăng, đặc biệt trong lứa tuổi thanh niên.

Cử tri lo lắng về mối hiểm họa của ma túy và mong muốn có những biện pháp, hành động quyết liệt, đồng bộ trong xử lý tội phạm ma túy, đặc biệt là chế tài đối với người sử dụng chất ma túy trái phép. Nếu không xem người sử dụng chất ma túy trái phép là đối tượng vi phạm pháp luật, thì với cơ chế cai nghiện như hiện nay sẽ khó để giảm số lượng người sử dụng ma túy trong xã hội.

“Ngày nào người sử dụng ma túy trái pháp luật không được quản lý, cai nghiện kịp thời, thì ngày đó người dân vẫn còn bất an, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những hiểm nguy khó lường và quan trọng là tình trạng sức khỏe của người nghiện không được giám sát”- ông Phan Ngọc Thọ lo lắng.

Thúc đẩy lộ trình nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng giỏ nhựa đi chợ cho người dân Thượng Thành với mong muốn họ hưởng ứng tốt hơn phong trào "Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng 1 lần"

Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể nói không với rác thải nhựa. Tuy nhiên từ thực tế, để chương trình, phong trào thật sự đi vào cuộc sống và khả thi, cần có chế tài đủ mạnh cấp độ quốc gia để đảm bảo thực thi các mục tiêu của Chính phủ là giảm và hướng tới cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy nhanh hơn các giải pháp thay thế, xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với việc thu hồi bao bì nhựa sử dụng một lần do mình sản xuất, tiêu thụ.

“Trước mắt, đề nghị Chính phủ, các bộ tập trung rà soát các sản phẩm của ngành có thể thay thế, hạn chế cũng như điều chỉnh các quy định phù hợp để thúc đẩy lộ trình nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”- ông Phan Ngọc Thọ đề xuất.

Đồng thời đưa ra ví dụ, trong khám chữa bệnh, khối lượng phim X quang phục vụ chẩn đoán là rất lớn; môi trường phải gánh một khối lượng lớn chất thải nhựa từ phim X quang, người dân phải chi trả một kinh phí không nhỏ khi in phim.

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện việc chẩn đoán và lưu hình ảnh bằng bản điện tử và thực tế không phải người dân nào khi chụp X quang cũng cần phim nhựa. Tuy nhiên, cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh đối với trường hợp phải chụp X quang để chẩn đoán còn ràng buộc nếu không có phim nhựa thì không có cơ sở để thanh toán chi phí chẩn đoán hình ảnh X quang.

“Những bất cập cụ thể như tôi nêu là rất nhiều ở nhiều ngành, lĩnh vực, cần được tập trung để xử lý nhằm góp phần giảm chất thải nhựa, giảm chi phí cho người dân”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Thái Bình- Tấn Trọng (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top