Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính chung, đến thời điểm này mới giải ngân được hơn 1%. Con số này được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây.
Trong đại dịch, người lao động bị ảnh hưởng như thế nào chúng ta đều biết, đặc biệt là những người làm trong ngành du lịch, những loại hình dịch vụ liên quan đến ngành này. Đối với Huế, nền kinh tế dần nghiêng mạnh về ngành dịch vụ và du lịch. Bởi vậy, người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề theo. Trong dịch nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đóng cửa. Giờ “sống chung với COVID-19” rồi, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng chưa phục hồi hoàn toàn vì dòng khách quốc tế chưa phục hồi. Nhiều khách sạn quy mô lớn chưa dám mở cửa hoạt động vì sợ chi phí cao… Nói như thế để chúng ta thấy cái khó của người lao động.
Sau cái khó do đại dịch, người lao động còn đón nhận những cái khó khác như giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều loại vật giá leo thang. Cũng là dùng một lượng xăng như nhau nhưng người thu nhập cao sẽ rất khác với người thu nhập 5 -7 triệu đồng một tháng, nếu xét về mặt tỷ lệ. Rồi nhiều nhà kinh tế, quản lý còn “lo sợ” tình trạng lạm phát, tức là làm cho sức mua của đồng tiền teo tóp lại. Chính vì vậy, người lao động đã khó lại càng khó hơn. Cho nên mọi sự hỗ trợ vào lúc này đều được người lao động mong ngóng!
Hỗ trợ cho người lao động với mục tiêu giảm bớt sự khó khăn cho người lao động chỉ là một mặt nhưng mặt khác cũng gián tiếp hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi kinh tế. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp đã thực hiện. Gói giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cũng đã thực hiện… Tất cả các gói này đều để thực hiện mục tiêu hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Ngân sách có thể thấp đi so với kế hoạch đề ra nhưng rồi sẽ thu lại được khi kinh tế phục hồi hoàn toàn. Thế là lợi cả đôi đường – bên được hỗ trợ được lợi mà bên hỗ trợ cũng không mất gì.
Nhưng oái ăm là, không gói hỗ trợ nào được giải ngân nhanh chóng. Gói nào cũng chậm, cũng vướng. Như gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo ông Lê Văn Thanh là ở 3 điểm: Các địa phương chờ nguồn kinh phí từ Trung ương; một số địa phương sợ làm sai nên rất thận trọng; về điểm thứ 3, không biết công tác triển khai như thế nào nhưng theo ông Thanh “nhiều người lao động chưa nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn” xin được hỗ trợ.
Gói hỗ trợ nói trên cần giải ngân 6.600 tỷ đồng cho 3,4 triệu người lao động. Không biết tiến độ có nhanh hơn trong thời gian tới. Dù nhanh hay chậm thì người lao động vẫn… mong ngóng.
Lê Nguyễn An