Sáng chủ nhật (21/2) vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng tại bang Texas - nơi đang phải đối mặt với tình trạng mất điện và thiếu nước trên diện rộng do băng tuyết phủ dày. Động thái này được đưa ra sau những ngày dài, hàng triệu người ở khu vực này phải sống trong tình cảnh không có điện, không có nước, nhiệt độ xuống thấp ở mức kỷ lục và chưa từng có trong lịch sử. Ít nhất 47 người tử vong liên quan đến các cơn bão tuyết trong mùa đông hoành hành nhiều bang của nước Mỹ là thông tin được đưa ra bởi The Washington Post.
Một bài bình luận trên tờ Bloomberg mới đây đã dùng cụm từ “bài học sống động về cách quản lý và vận hành năng lượng” đối với những gì đang xảy ra ở Texas, một thủ phủ về năng lượng của Mỹ. Cho dù đang được cải thiện và kiểm soát, tình trạng này đồng thời cũng cho thấy, sự biến đổi của khí hậu đã trở nên khó lường và bất định hơn.
Nếu để tâm, chúng ta có thể nhận diện những điều này xung quanh những gì đã và đang diễn ra, ít nhất là trong quãng thời gian từ tháng 9/2020 trở lại. Cùng với thời gian diễn ra sự cố nghiêm trọng ở Texas, Chính phủ Nhật Bản cũng đã phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó với tuyết và giúp đỡ hơn 10.000 hộ gia đình bị mất điện ở Niigata cùng những nơi khác. Một trận bão tuyết cũng được xem là kỷ lục ở Tây Ban Nha vào những ngày đầu năm 2021 kể từ năm 1971…
Tại Việt Nam, những gì diễn ra vào những tháng cuối năm 2020 vừa qua cũng đã cho thấy sự khốc liệt của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bão, mưa lũ và sạt lở đất ở Rào Trăng (Phong Điền - Thừa Thiên Huế), Trà Leng (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) rồi lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh… đã để lại những hậu quả và tác động ghê gớm đến đời sống của người dân, ngay khi chúng ta vừa đi qua làn sóng COVID-19 thứ hai. Những ngày cận tết, nếu thời tiết ở TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là lạnh nhất từ đầu mùa, nền nhiệt ở các tỉnh miền Nam có nơi xuống thấp dưới 20 độ C thì hiện tượng tuyết rơi trên đỉnh Fansipan được xem là hiện tượng bất thường, tương đối hiếm gặp…
Chúng ta vẫn chưa thể biết trước được, sẽ có những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế nào trong năm nay. Trong khi đó, việc sống chung với sự biến đổi khí hậu gần như là việc đang phải đối đầu và đối diện. Khô hạn hay nhiễm mặn là vấn đề của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Đây là điều đe dọa đến vựa lúa của cả nước. Xâm nhập mặn ở khu vực trong tháng 2 sẽ rất nghiêm trọng là điều được Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cảnh báo từ đầu tháng, bên cạnh hai thông tin đã được dự báo từ trước về nguồn nước của đồng bằng sông Cửu Long thuộc năm thủy văn cực hạn và xâm nhập mặn thuộc nhóm 5 nghiêm trọng.
Khi nhấn mạnh năm 2021 là một năm quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres đồng thời cũng kêu gọi các nước cần có giải pháp đột phá về thích ứng và khả năng phục hồi. "Chúng ta có trách nhiệm đạo đức phải nỗ lực hơn nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến và công cụ tài chính mới”, ông nói.
Tôi nghĩ đến bạn mình, khi con gái chị ở rất xa đã gọi về, dặn mẹ “nhớ trồng một cái cây”, khi lắng nghe câu chuyện từ chị về sự tàn phá của mưa gió, bão lũ hồi tháng 10, tháng 11 của năm 2020. Nếu ai cũng có những lời dặn đó, và hơn cả, là nếu ai cũng biết cách trồng - một – cái – cây ngay từ trong tâm thức của mình, chắc chắn đó cũng là một trách nhiệm đạo đức không chỉ cho hôm nay.
Yên Minh