Mối quan hệ tình cảm, giới tính, chủng tộc và quan điểm chính trị là những chủ đề khiến số điểm ứng xử kém văn minh của năm 2019 tăng thêm 7 điểm. Cũng trong bản khảo sát của mình, Microsoft đã “điểm mặt” những rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam bao gồm liên lạc không mong muốn, tin lừa đảo, tin nhắn gợi dục không mong muốn, quấy rối tình dục và gạ gẫm gợi dục.
Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng – Digital Civility Index (DCI) do Microsoft công bố nhân dịp ngày quốc tế Safer Internet Day, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số cao nhất thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp). Quả là top cao một cách đáng buồn nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, góp mặt vào sự đáng buồn đó, là những hành xử mang tính cá nhân khi thao tác trên mạng. Đương nhiên điều đó còn thể hiện những khía cạnh khác về trình độ, sự hiểu biết, trách nhiệm (cá nhân và xã hội), ý thức đối với cộng đồng…
Trên thực tế, thật khó lý giải khi rất nhiều người, thay vì giúp đỡ, can ngăn một ai đó/trường hợp nào đó khi gặp rủi ro lại cầm máy điện thoại ghi hình để post facebook; có những người khác lại đưa những thông tin thất thiệt để tạo sự chú ý với những mục đích khác nhau. Rất nhiều người dường như muốn thể hiện bản thân khi bình luận vấn đề đang hoặc đã xảy ra. Một số người khác nữa lại thả những cách hiểu (hoặc muốn được hiểu) một chiều về ai, vấn đề nào lên thế giới ảo. Và bằng cách đó, họ đã tham gia vào việc đẩy vấn đề đi xa hơn. Có khi ngoài tầm kiểm soát.
Những điều này dễ thấy hơn so với những gì mà Microsoft đã đưa ra trong bản công bố của mình. Gần đây, cơ quan chức năng đã chế tài một số nghệ sĩ và cả người bình thường khi đăng tải những tin đồn thất thiệt về COVID-19 là một dẫn chứng về tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi dịch bệnh đang xảy ra. Ngay ở Thừa Thiên Huế, trên mạng xã hội, những thông tin ban đầu, úp mở về việc cách ly những người trở về từ các vùng có dịch, về trường hợp tử vong do bệnh lý về não ở Phú Lộc cũng đã mang đến những đồn đoán vô căn cứ. Họp báo, minh bạch thông tin là cách mà các cơ quan chức năng phản ứng nhanh để tránh những hệ lụy và kiểm soát được rủi ro đến từ những thông tin dạng này.
Nhưng đâu phải cái gì cũng có thể họp báo, nhất là khi những điều đó thuộc về phạm trù cá nhân. Bị tổn thương, thậm chí sẽ là sát thương nếu những người bị nhấn chìm bởi các nguồn thông tin mang tính bôi bẩn, làm xấu… không đủ bản lĩnh để vượt qua. Đối với cộng đồng, đó sẽ là những hệ lụy dây chuyền theo kiểu truyền tai, lây lan qua đường mạng xã hội; làm thay đổi và xáo trộn đời sống hàng ngày.
Mặc dù đây chỉ là một gói khảo sát đến từ Microsoft (với phạm vi 500 người tham gia ở tuổi từ 13-74 ở mỗi nước và Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia được khảo sát); không mang tính đại diện cao nhưng chí ít thì vị trí này cũng là một điều gì đó cần phải được thay đổi. Nhất là khi người tham gia khảo sát đều cho biết, họ gặp những hành vi thiếu văn minh trên không gian mạng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Tin tích cực hơn là gần đây, xu hướng tìm kiếm về sex và các từ khóa liên quan tới sex ở Việt Nam đã dần dà nhường chỗ cho các chủ đề thời sự, xã hội, văn hóa…Theo nhận định của một chuyên gia truyền thông số, những điều này là do các vấn đề thời sự, xã hội được nhiều người quan tâm cũng được tìm kiếm trên Google nhiều hơn.
Nguyễn Hà Chi