Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt 62%, nhưng tỷ lệ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%. Điều này cho thấy, lực lượng lao động có thể tham gia vào thị trường lao động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn quá thấp.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ là quá trình tự động hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế con người mà còn là trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, robot thế hệ mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Điều này dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng; thay đổi cơ cấu tổ chức của xã hội dẫn đến thay đổi quy mô, tính chất, cơ cấu của lực lượng lao động.
Ở một góc nhìn khác, thiếu lao động được đào tạo bài bản, lành nghề cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất lao động ở nước ta thuộc “vùng trũng”. Theo công bố năm 2018 của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Sigapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan…, thậm chí chỉ bằng 87,4% của Lào. Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.
Thực tế, vấn đề đào tạo nghề được đặt ra từ lâu. Thời gian gần đây, đào tạo nghề đang có những bước chuyển rõ rệt sau khi đã sắp xếp gọn lại bộ máy. Nhiều trường nghề thu hút các thí sinh đạt điểm cao. Một số trường tuyển sinh gắn với cam kết đầu ra, đảm bảo việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chuyển biến trên còn chậm.
Với Thừa Thiên Huế, hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề của các bộ, ngành, đơn vị đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Điển hình, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, nhờ đa dạng hóa hình thức, ngành nghề đào tạo, gắn với việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đã thu hút nhiều đối tượng, kể cả học sinh có học lực khá.
Để giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô cơ cấu ngành nghề; chuyển mạnh sang đào tạo theo đầu ra, gắn với yêu cầu thị trường. Ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thì việc đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như: kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp…
Ở góc độ người lao động, việc chọn nghề phù hợp với khả năng, trình độ và sự đam mê là yếu tố quan trọng trong thành công. Giỏi tay nghề sẽ là cái vốn để người lao động lập thân, lập nghiệp vững chắc không chỉ trong nước, mà còn thể tham gia xuất khẩu lao động, làm giàu cho bản thân và gia đình. Con số gần 1.500 lao động của tỉnh tham gia xuất khẩu năm 2019 không chỉ là sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động, mà còn là kết quả của việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, sát với nhu cầu thị trường lao động thế giới.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực lao động có chất lượng cũng là vấn đề đặt ra trước yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa. Với thực trạng đội ngũ cán bộ HTX đa phần lớn tuổi, chưa qua đào tạo đang đặt ra thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ để nắm bắt, áp dụng các mô hình, công nghệ sản xuất tiên tiến. Đây là khoảng trống trong đào tạo nghề và có nhiều dư địa cho các trường nghề phát triển.
Hoàng Minh