Nhà ở công vụ và quản lý nhà công vụ như thế nào đã có quy định. Hiểu theo một nghĩa cụ thể nhất là khi anh làm việc công, nếu đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu, anh sẽ được bố trí ở ngôi nhà đó. Khi anh hết làm việc công thì ở nhà công vụ là không hợp lý, bởi sẽ có những người thực hiện nhiệm vụ công có nhu cầu ở khu nhà đó. Đó là điều rất đơn giản và dễ hiểu. Thế nhưng, tại sao có nhiều người không chịu trả nhà công vụ. Khi đơn vị chức năng được giao quản lý yêu cầu trả thì có người trả chậm, thậm chí có người lại xin tiếp tục được ở (dù là thuê)!
Danh sách những người ở nhà công vụ và chậm trả mà các cơ quan báo chí đề cập trong thời gian này đều là những người có cấp bậc cao trong hệ thống hành chính Nhà nước. Rất có thể khi còn đương chức, họ đã từng “cao đàm khoát luận”, chỉ đạo thế này, thực hiện thế kia… nhưng khi nghỉ hưu thì cái “quyền lợi cá nhân” lại trỗi dậy. Nếu chúng ta không kiên quyết xử lý theo đúng quy định, thì xét về mặt quản lý Nhà nước là không chặt chẽ, của công bị lạm dụng. Và điều quan trọng nữa, nó để lại một hình ảnh rất xấu trong mắt người dân về cán bộ (ở đây là những cán bộ từng giữ các chức vụ cao).
Đã là của công, không chỉ là nhà công vụ mà bất cứ thứ gì đều cần quản lý chặt chẽ và công bằng. Chuyện sử dụng xe công cũng vậy. Ẩn đằng sau những xử sự không chuẩn mực như vậy của cán bộ, hoặc nguyên là cán bộ nó dễ làm cho người dân hướng đến một cách nghĩ về sự lạm quyền. Cán bộ lời nói thế này nhưng hành động lại thế kia. Đi xe với giá quá quy định, thậm chí có nơi còn nhận cả xe của doanh nghiệp tặng. Nó không chỉ đơn thuần là một hành động mà là một cách nghĩ về sự hưởng thụ. Đó là điều tai hại về hình ảnh của cán bộ.
Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết chống tham nhũng. Hàng loạt vụ án nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Rất nhiều cán bộ, trong đó có những người giữ các chức vụ rất cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước bị xử lý, và có không ít người phải vào tù. Điều đó cho thấy có rất nhiều kẽ hở trong công tác quản lý cán bộ một thời. Nhưng đồng thời cũng thắp lên trong người dân một lòng tin về sự kiên quyết làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước. Đã vi phạm thì đều bị xử lý, dù bất kỳ đó là ai.
Giữ gìn những hình ảnh đẹp, trong sáng, tận tụy, vì cái chung… của cán bộ thì không cứ ở vai trò nào. Lúc còn đương chức thì càng phải thực hiện tốt. Lúc đã nghỉ hưu thì càng phải giữ gìn. Bởi hình ảnh của anh là của riêng anh, nhưng đã là hình ảnh của cán bộ, đặc biệt cán bộ cao cấp thì đó là hình ảnh chung.
Người dân sẽ nghĩ như thế nào nếu khi đương chức, anh nói những điều tốt đẹp thế này, nhưng khi không còn chức vị nào nữa anh sẽ nói thế kia...?
Nguyên Lê