ClockThứ Tư, 25/08/2021 06:10
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Người góp phần thay đổi vận mệnh dân tộc

TTH - Từ người con của vùng quê nghèo Quảng Bình, đến người thầy giáo dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành người cộng sản kiên trung, trong sáng, mẫu mực; nhà quân sự thiên tài, vị tướng tài ba, xuất chúng.   

Chủ tịch nước dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên GiápTriển lãm trực tuyến 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại'

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: qĐnd.vn

Vị tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam

Năm 1930, trong sự kiện Xô-viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị thực dân bắt, giam tại lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ, ông được trả tự do nhưng nhà cầm quyền Pháp trục xuất ông khỏi Huế.

Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội, thi đỗ vào Trường trung học Albert Sarraut để hoàn thành chương trình trung học và lấy bằng tú tài toàn phần ban triết, rồi theo học và nhận bằng cử nhân luật Trường đại học Luật Hà Nội (năm 1937).  

Thời gian ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, đặc biệt trên lĩnh vực báo chí. Ông là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội, tham gia thành lập và viết báo tiếng Pháp Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), đồng thời là biên tập viên một số tờ báo khác. Năm 1939, ông trở thành thầy giáo dạy môn lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long. 

Năm 1940 có thể nói là là thời điểm mang tính bước ngoặt đối với cuộc đời của Võ Nguyên Giáp cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Theo sự phân công của Đảng, Võ Nguyên Giáp (cùng với ông Phạm Văn Đồng) được cử đi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với nhãn quan sáng suốt, tài tình của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách công tác quân sự, để từ đó, lịch sử dân tộc ta cũng như lịch sử quân sự thế giới có một vị tướng, một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc.

Ngày 22/12/1944, Võ Nguyên Giáp nhận chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 cán bộ, chiến sĩ - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Võ Nguyên Giáp, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận đầu, diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống “đánh thắng trận đầu” của quân đội ta về sau.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), với trọng trách là Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, rồi Tổng Tư lệnh Quân đội, Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ đạo, triển khai đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trực tiếp vạch ra và tổ chức thi hành các kế hoạch, chiến lược, sách lược tác chiến. Năm 1948, Võ Nguyên Giáp được thụ phong cấp hàm Đại tướng khi vừa 37 tuổi, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.  

Ông là người chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu giữ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, kìm chân địch để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lực lượng của ta rút về căn cứ an toàn; là chỉ huy các chiến dịch thắng lợi của quân ta như Việt Bắc (1947), Biên giới (1950)... đặc biệt, với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, tên tuổi của Võ Nguyên Giáp được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới về thiên tài dụng binh của ông và những quyết định quân sự táo bạo làm thay đổi dòng chảy lịch sử cách mạng và dân tộc.

“Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”

Trong cuộc kháng chiến bền bỉ chống đế quốc Mỹ, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dành hết tâm sức, trí tuệ, cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nghiên cứu, đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam. 

Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa được thể hiện, làm thất bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”; các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, khi nhận thấy thời cơ, vận hội đã tới, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, Đại tướng - Tổng Tư lệnh đã ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa...” như một lời giục giã toàn quân ta xốc tới mặt trận, quyết chiến trận cuối cùng, thu giang sơn về một mối.

Trong 21 năm (1954 - 1975), Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có hai quyết định lịch sử. Nếu như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 là quyết định thần tốc, táo bạo để nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với thời gian dài được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người trao cho nhiều trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao..., Võ Nguyên Giáp chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong cách, đạo đức, lối sống của ông chính là sự thực hành phong cách, đạo đức, lối sống của Người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh. Đó là tinh thần “làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”, là đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; là lối sống khiêm tốn, giản dị, thanh bạch, trong sáng, đầy nghĩa tình...

Ông mãi mãi sống trong lòng Nhân dân ta, quân đội ta. Mãi mãi là “Đại tướng của Nhân dân”, “Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Hoàng Ngọc Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18/10/1930 - 18/10/2024)
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Tháng 10/1930, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng họp lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng, cử BCHTW Đảng và quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc cho Trung ương Đảng... Từ sự kiện lịch sử đó, năm 2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 18/10/1930 làm Ngày truyền thống Văn phòng Trung ương Đảng và cũng là Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Đây là điểm mốc đánh dấu sự ra đời, ghi nhận sự trưởng thành, phát triển của văn phòng cấp ủy các cấp.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Hà Nội, những kỷ niệm không quên

Tròn 70 năm trước, khoảng hai tháng sau khi các đoàn quân chiến thắng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô, từ một vùng quê Khu Bốn, tôi cũng “tiến vào” Hà Nội. Bảy thập kỷ đã qua, nhưng tôi vẫn chưa quên cảm giác cậu bé nhà quê ngơ ngác trên những đường phố Hà Nội phồn hoa với tiếng chuông tàu điện leng keng, tiếng rao “phá xa” (lạc rang) của mấy lão Hoa kiều bụng bự...

Hà Nội, những kỷ niệm không quên
Nhiều hoạt động về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Ngày 4/10, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Huế tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (04/10/1961- 04/10/2024) và 23 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10/2001 - 04/10/2024).

Nhiều hoạt động về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

TIN MỚI

xem thần số học miễn phí
Return to top