ClockThứ Hai, 21/06/2021 09:41

Nhà báo, liệt sĩ Tô Chức - “Chú Hai đài Bác Hồ”

TTH - Trước khi đi, Tô Chức viết thư cho người anh: “Anh Tú ơi… Em phải đi công tác một thời gian, chuyến đi rất hợp với nguyện vọng duy nhất của em.

Trung ương Hội Nhà báo và nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ gia đình liệt sĩ Phạm Văn HướngChuyện kể về nhà báo - liệt sĩ Tô Chức

Thư viết cho anh trai

Năm 1966, ông tình nguyện đi vào chiến trường Bắc Lào. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, giữa lúc quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành khủng bố, càn quét dữ dội, ông vẫn xung phong vào chiến trường Thừa Thiên. Đoàn phóng viên đi từ Hà Nội vào Thừa Thiên đợt này, ngoài Tô Chức còn có những nhà báo tên tuổi khác, như Lê Khánh Căn, Bùi Á, Trương Xuân Thâm, Thái Cương, Hoàng Tá…

Trước khi đi, Tô Chức viết thư cho người anh: “Anh Tú ơi… Em phải đi công tác một thời gian, chuyến đi rất hợp với nguyện vọng duy nhất của em. Xa hơn Mạc Tư Khoa, mà cũng gần hơn cả Viên Chăng, rất thú vị và cũng rất gian nan… Nếu chủ nhật anh về, không thấy em ở nhà cũng đừng có ngạc nhiên bởi vì: “Tráng sĩ ra đi hẹn có ngày trở lại”… Ông cũng viết thư cho em gái: “Lần này về Hà Nội sẽ không có anh ở đó nữa nhỉ, có lẽ còn lâu anh em ta mới gặp nhau đấy. Xa nhà nhớ tất cả mọi người…, nhưng anh mang theo một niềm tự hào lớn lắm, anh đã đạt được nguyện vọng cao cả nhất mà ngàn năm mới có. Anh được Đảng tin cậy, hết đi C lại đi B…”. Trên đường đi, bị ốm, nhà báo Tô Chức viết thư cho bố: “Đi đường chiến lược vòng vèo qua đồi núi xe xóc nhiều, nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo… Bố cứ yên tâm nhé… Con trai bố nhất định sẽ làm cho gia đình ta thêm tự hào và hãnh diện…”.

Vừa vào đến chiến khu Trị Thiên, nhà báo Tô Chức đã đề nghị được xuống ngay vùng giáp ranh Quảng Điền để cùng bám trụ, sống và chiến đấu với các đội du kích và Nhân dân địa phương.

Hôm ông về Quảng Thái (Quảng Điền) cũng rất đặc biệt. Bà Lý, nguyên Xã đội trưởng xã Quảng Thái kể: “Anh về hồi tháng sáu, trời nắng như đổ lửa xuống bãi cát ven làng. Hàng đàn máy bay phản lực gầm rít, rồi bỗng nghe tiếng rì rì của một chiếc máy bay tàu rà từ hướng Sịa lao đến. Nó sà xuống bãi cát rượt theo một anh giải phóng khi anh đang lao nhanh vào làng. Tui nhắm máy bay nổ luôn mấy loạt trung liên, nó hốt hoảng bay vọt lên, xả đạn loạn xạ rồi tháo chạy. Tụi tui xô tới, anh nằm ngất dưới giao thông hào còn nồng khói đạn, hai tay ôm chiếc máy ảnh trước ngực. Khi tỉnh, anh kêu lên: “Thế là tôi đã đến Quảng Thái rồi”. Ảnh lấy giấy giới thiệu đưa cho tui, mới biết anh là phóng viên từ Hà Nội vô, mừng quá luôn”.

Liệt sĩ Tô Chức

Trong khoảng thời gian ở Quảng Thái, ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với một đơn vị du kích. Giữa những cuộc chống càn, ông cùng ra đồng cày cấy với bà con nông dân vùng quê xứ cát. Anh ở nhà mệ Năm. Mùa gặt, có hôm vừa dứt cơn sốt anh vẫn cố ra đồng bó lúa cho mệ, rồi gánh lúa vô nhà. Có những ngày cả làng, cả xã chỉ ăn khoai lang với muối ớt, dành gạo cho bộ đội. Ông cũng chịu đựng như bà con. Ông viết thư cho nhà văn Trần Nguyên Vấn lúc đó đang ở chiến khu Dương Hòa: “Từ khi mình xuống đây phấn khởi ghê lắm… Thương các cậu ở trên ấy thiếu thốn sự chăm sóc của các mạ, gắng mà chịu đựng Vấn nhé!”…

Những lúc rảnh rỗi, ông dạy chữ cho du kích địa phương và bà con. Có những lần bị thương, phải nằm dưới hầm nóng, chật chội, sốt cao do nhiễm trùng nặng; nhưng cứ hễ cắt cơn sốt, ông lại ngồi dậy viết bài gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam để kể cho cả nước nghe cuộc đấu tranh kiên cường chống Mỹ của Nhân dân Quảng Điền. Do không an tâm về sức khỏe của ông, Khu ủy Trị Thiên cử giao liên đến đưa ông về hậu cứ, nhưng ông xin được ở lại, bám trụ đến cùng. Những ngày tháng đó, người dân Quảng Thái gọi nhà báo Tô Chức là “Chú Hai đài Bác Hồ”.

Ngày 16/8/1968, trong lúc ông đang đọc cuốn “Sống Như Anh” cho du kích nghe thì bỗng rền vang tiếng gầm rít của xe tăng địch và hàng loạt đại bác nổ. Lớp học phải giải tán, mọi người ra vị trí chiến đấu. Ông cùng du kích Quảng Thái cầm cự địch từ sáng đến chiều. Địch bắn phá xong bãi mìn, bãi chông thì đổ bộ cả trung đoàn. Du kích hết đạn phải rút lui vào hầm bí mật. Nhà báo Tô Chức tranh thủ bấm hết tấc phim cuối cùng mới vào hầm. Quân địch dò tìm, phát hiện nắp hầm, bủa vây kêu gọi đầu hàng. Địch ném lựu đạn xuống, ông ném trả lại, thừa cơ địch lúng túng, ông bật nắp hầm xông lên chiến đấu. Ông hy sinh trên mảnh đất Quảng Thái, bà con chôn ông ở nghĩa trang đầu làng, trên mộ có ghi dòng chữ “Mộ chú Hai đài Bác Hồ”.

Bà Tô Thị Nhạn, người chị của nhà báo Tô Chức, được tin em hy sinh đã xúc động làm bài thơ tiễn đưa:

“Chị muốn ôm em khi em nhắm mắt

Và hôn em khi hơi thở em đã tắt

Yêu biết bao nhiêu mảnh đất em nằm

Quảng Điền ơi

Nơi quê hương của hồn tôi”…

Năm 1984, ông được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1995, ông được truy tặng huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.

Bài, ảnh: Đặng Ngọc Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có dịp về Tuyên Quang, và lại được thăm Tân Trào- Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử
Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2024, ngày 20/4, xã Phú Gia (Phú Vang) tổ chức khánh thành nghĩa trang liệt sĩ. Tham dự có ông Lê Trường Lưu -UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Return to top