ClockThứ Hai, 30/05/2022 05:29

Nhận diện năng lực ngành kinh tế mũi nhọn

13 triệu USD (tương đương 301,080 tỷ đồng) là tổng số vốn viện trợ không hoàn lại mà Chính phủ Hàn Quốc dành cho Thừa Thiên Huế với mục tiêu  xây dựng văn hóa, du lịch TP. Huế giai đoạn 2021-2025 trên nền tảng thông minh, cùng nguồn vốn đối ứng xấp xỉ 41,680 tỷ đồng.

Tại lễ khởi động dự án đầu tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá, dự án "Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh" giai đoạn 2021-2025 nói trên đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh nhà trong tương lai; góp phần quan trọng cho khai thác và quảng bá nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của TP. Huế nói riêng và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Với tiềm năng phong phú, du lịch từ lâu được xác định là ngành kinh tế hướng đến mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Cùng những “mỏ quặng” di sản triều Nguyễn,  biển, đầm phá, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa tâm linh… ngành du lịch được nhận định là “ngành công nghiệp không khói” nhiều triển vọng “đẻ trứng vàng” của Huế.

Thực tế cho thấy, cách đây chừng 20 năm, du lịch Huế từng dẫn đầu khu vực miền Trung về sức hấp dẫn điểm đến, thu hút lượng khách. Tuy nhiên, so với tiềm năng, hiện tại, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn này của Huế tăng trưởng chưa ngang tầm.

 Mới đây, tại buổi họp thường kỳ tháng 4, đánh giá tăng trưởng hậu COVID-19, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định, nền kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi tốt, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu, mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội… Dù vậy, lĩnh vực du lịch (cùng với nông-lâm-ngư nghiệp) vẫn còn nhiều khó khăn, riêng ngành du lịch phục hồi chậm, lượng khách có xu hướng giảm.

Không chỉ khó khăn trong giai đoạn hậu COVID-19, cách đây gần 10 năm, khi du lịch Huế có dấu hiệu “chững” lại, các chuyên gia đã cảnh báo, từ vị trí dẫn đầu khu vực miền Trung, nguy cơ du lịch Huế có khả năng tụt hạng (so với tốc độ bứt phá của Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Đà Lạt…), do những nguyên nhân như sản phẩm ít đổi mới, thiếu các nhà đầu tư tầm cỡ, hạ tầng giao thông hạn chế, công tác xúc tiến quảng bá chưa sâu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng…

Chỉ riêng về hạ tầng giao thông, được ví như “xương sống” của ngành du lịch nhưng đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giao thông kết nối du lịch biển. Ở trung tâm thành phố như tại phường Thủy Biều, các sản phẩm du lịch cũng khó khai thác vì các loại xe từ 29 chỗ ngồi trở lên không thể di chuyển đến. Ở những điểm đến mới như hồ Khe Ngang, hồ Sơn Thọ, dù là điểm “check - in” mới vào mùa hè đã 3 năm nay nhưng hiện chỉ thu hút được khách đi xe máy, do ô tô khó tiếp cận. Thiếu năng lực dịch vụ lưu trú chất lượng cũng là vấn đề, khi cả tỉnh hiện chỉ có 3.500 phòng khách sạn 3 - 5 sao trong tổng số 13.000 phòng, dẫn đến dễ dàng quá tải những lúc cao điểm như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Riêng về tiềm năng, ngay như du lịch tâm linh, với nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, gắn với ẩm thực chay, văn hóa Phật giáo nhưng chưa thu hút được du khách…

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng một ngành du lịch lợi nhuận cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là một trong những mục tiêu được xác định theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Để du lịch Huế thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đi đầu về đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm, tạo doanh thu xã hội, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên…, ngoài sự hợp tác, kêu gọi những dự án hỗ trợ, đầu tư có tính đột phá, cần có chiến lược, chính sách tương xứng về phát triển hạ tầng, tiếp cận thị trường, đầu tư nhân lực, làm mới sản phẩm… Đặc biệt, cần phân khúc rõ thị trường để đầu tư sản phẩm chủ lực, tránh sản phẩm gì du lịch Huế cũng có nhưng còn dàn trải, manh mún, thiếu sức cạnh tranh, chưa tạo được giá trị cao như hiện nay.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm
Return to top