Cùng một vị trí, nhưng ít nhất cô bạn cũ của tôi đã đứng chân ở ba khách sạn lớn khác nhau. Điều đó thoạt đầu làm tôi ngờ ngợ, không biết mình có nhầm không khi lúc thì được giới thiệu bạn đang đảm trách nhiệm vụ ở chỗ này, một thời gian sau đã gặp bạn ở khách sạn khác. Vẫn phong độ ấy, nụ cười ấy và sự quan tâm chu đáo ấy đối với khách hàng. Sau thì tôi hiểu, bạn không chọn thử thách. Đơn giản bạn là người được mời gọi, săn đón và bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt nhất dành cho mình.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam đang thiếu. Hiện để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài” là điều mà Bộ trưởng Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho là 1 trong 4 điểm nghẽn khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội vào đầu tháng 6 vừa qua. Nằm trong tương quan chung, đây cũng là vấn đề của du lịch Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta không chỉ ở nguồn nhân lực chất lượng cao mà ở phạm vi rộng hơn – chất lượng nguồn nhân lực.
Không nhiều hơn số lượng cơ sở lưu trú, khách sạn, buồng phòng… so với một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng; lại vừa có trường đại học và cả trường cao đẳng du lịch, nên có vẻ vô lý khi nhân lực phục vụ cho ngành du lịch –dịch vụ lại không được đánh giá cao. Vấn đề này cũng đã được đề cập đến trong không ít diễn đàn. Khó tìm việc khi hầu như các cơ sở lưu trú cũ đã bão hòa, cơ sở mới đi vào hoạt động chưa nhiều; lương và chế độ đãi ngộ thấp; chưa thật sự chú trọng đến đào tạo để ngày càng chuyên nghiệp hóa… dẫn đến việc lao động được đào tạo ở lĩnh vực này sang các địa phương khác tìm việc là những vấn đề đã được nhìn nhận. Mới đây, vấn đề này lại một lần nữa được xới xáo trở lại tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp với chủ đề “Vì một nền kinh tế xanh – phát triển bền vững”. Theo UBND tỉnh, ngoại ngữ, kỹ năng quản lý, sale marketing, điều hành tour, yếu và thiếu các kỹ năng nghiệp vụ mới du nhập như golf, casino… là những lĩnh vực mà du lịch Huế đang tồn tại hạn chế. Về nguồn nhân lực cao ở các vị trí quản lý, có kỹ năng, trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm kinh doanh “xê dịch” đến những địa phương cũng là một thực tế.
Đó là những khoảng trống cần được lấp đầy và tạo điều kiện, cơ chế và cơ hội mà du lịch- dịch vụ Thừa Thiên Huế cần lấp đầy để ổn định và phát triển. Chúng tôi nhận thấy, cùng với các giải pháp về đào tạo nâng cao năng lực chung, xây dựng cơ chế để giữ người có năng lực, trách nhiệm, ham học hỏi và chính sách để thu hút, mời gọi người giỏi, người tài, người có tay nghề cao… đến từ phía chính quyền ở lĩnh vực này, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú cũng cần phải tính đến giá trị thực chất và các cơ hội để gia tăng chất lượng dịch vụ tại cơ sở mình thông qua nguồn nhân lực đang quản lý, tuyển mới cũng như cải thiện môi trường và chất lượng làm việc. Không có sự thay đổi nào và sự phát triển nào đơn phương đến từ một phía.
An Nguyễn