Để kiện toàn và bảo đảm sự thống nhất về mô hình tổ chức, hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại UBND các huyện, thị xã và TP Huế, ông Thái Tao - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cho hay: Sau khi ban hành quyết định phê duyệt đề án nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa” tại UBND cấp huyện, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các quy định về quy trình, trình tự và cơ chế phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”; danh mục, thành phần, thời gian giải quyết các TTHC bắt buộc đưa vào thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện với 119 TTHC của sáu lĩnh vực. Hiện, tỉnh đang triển khai thí điểm cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại UBND cấp huyện ở Phú Lộc, Hương Trà và Huế; cài đặt phần mềm quản lý hồ sơ “một cửa” thông qua hệ thống “Trang thông tin điều hành nội bộ tại cơ quan” để cập nhật, công khai quy trình, TTHC, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC của tổ chức, cá nhân; thành lập các tổ công tác trực thuộc UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất các giải pháp và xây dựng các quy trình liên thông trong một số lĩnh vực...
Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc, TTHC vẫn chưa giảm, chi phí của người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khiến những đối tượng này không khỏi phàn nàn, kêu ca trên một số lĩnh vực nhạy cảm. Nguyên nhân chính của việc chậm nhân rộng mô hình “một cửa liên thông hiện đại” là kinh phí xây dựng cơ sở “một cửa liên thông” hiện đại cấp huyện khá tốn kém. Quan trọng hơn, việc xây dựng bộ phận này động chạm đến lợi ích của một số cá nhân, do họ không còn sách nhiễu được doanh nghiệp nên không ủng hộ chủ trương này. Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, công tác cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận”một cửa” ở cấp xã chưa bảo đảm và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ giải quyết TTHC được cải thiện nhưng chưa rõ nét và rộng khắp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” vừa qua, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh và giám sát chặt chẽ công tác này. Thông qua đề án nhân rộng triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại UBND cấp huyện (giai đoạn 2012 - 2015) với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách T.Ư, tỉnh xem xét ngân sách để vận dụng phù hợp việc phụ cấp cho người làm công tác này và tận dụng cơ sở vật chất của bộ phận “một cửa” hiện nay cũng như lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh chỉ đạo tích cực, chủ động triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện với sự vào cuộc và quyết tâm chính trị của người đứng đầu để bảo đảm việc xây dựng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả để công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng cán bộ hách dịch, cửa quyền trong giao tiếp, xử lý công việc của công dân...