ClockThứ Bảy, 13/04/2019 08:54

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Phòng, chống tham nhũng – hành động cụ thểThường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về sửa luật công chức, viên chứcChủ tịch Quốc hội dự IPU-140: Thể hiện vai trò chủ động của Quốc hội Việt NamPhân công chuẩn bị phiên họp thứ 33 của UBTVQH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018 của Chính phủ đánh giá năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chính sách về tài chính, thuế, ngân sách Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra tồn tại, hạn chế đó là công tác thu ngân sách Nhà nước ở hai địa phương (Bình Dương, Đồng Nai) không đạt dự toán, chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Công tác chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế có những chuyển biến tích cực, song chưa đạt kết quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân nên số thuế nợ đọng còn lớn  chủ yếu là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 69,3% tổng số tiền thuế nợ; số nợ thuế, phí và nợ các khoản thu về đất chiếm 30,7% tổng số tiền thuế nợ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 phát hiện nhiều đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước sai chế độ.

Việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã  hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu đề ra, cơ bản hoàn thành xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. 

Công tác đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) đạt được những kết quả bước đầu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Song, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; nhiều lĩnh vực dịch vụ công chưa tính đủ chi phí vào giá. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn bất cập, lúng túng. Nguyên nhân do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là quá lớn; thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả; trong khi đó các hoạt động xã hội hóa dịch vụ công còn khó khăn do số cơ sở ngoài nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện khó khăn...

Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyên Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019. Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Chính phủ nêu ra là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công. Thực hiện nghiêm quy định trong quản lý tài sản công; tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức; phấn đấu đến năm 2020 giảm 30%-50% lượng xe ô tô công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85%.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...

Kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong báo cáo của Chính phủ còn đánh giá chung chung, chưa thể hiện được tinh thần và mục tiêu của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhiều nhận định, đánh giá thiếu số liệu, dẫn chứng như đề cập tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp nhưng chưa có thống kê để đề xuất sửa đổi... Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến 31.1. 2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn chậm, giao vốn nhiều lần ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… Các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định. Chính phủ cần tổng kết và đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong năm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Thảo luận báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá số liệu báo cáo được tổng hợp đầy đủ hơn năm ngoái; Chính phủ có nhiều nỗ lực thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo liên quan tới việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ 2 mặt còn tồn tại của công tác này. Đó là tình trạng một số đơn vị chạy theo số lượng, cắt giảm cơ học; một số đơn vị lại chạy theo thành tích, cắt giảm rất nhiều. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào  cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cũng là tốt. Lấy ví dụ về lĩnh vực vận tải đường bộ, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói, đây là lĩnh vực gây tai nạn giao thông nhiều nhất, nghiêm trọng nhất. Do vậy, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ cần phải được thắt chặt hơn, chứ không phải cắt giảm đi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả của công tác thanh tra, công tác kiểm toán, thời gian qua và khẳng định quan trọng là đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán để phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gây lãng phí, cũng cần coi trọng công tác khen thưởng với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc tới tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho việc triển khai thi hành luật. Luật Quy hoạch thông qua từ năm 2017, đến 1-1-2019 mới có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay, nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, khiến các địa phương chưa thể triển khai xây dựng hệ thống quy hoạch.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề về tính hiệu quả trong thực thi Thông tư số 129/2017/TT-BTC quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Đến nay, chỉ có 3/34 bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chấm điểm theo thông tư này, 1 cơ quan bỏ trống, 30 cơ quan chưa thực hiện. Không chỉ đề nghị thay đổi văn hóa trong chi tiêu ngân sách, các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân, các cộng đồng thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã đánh giá khá toàn diện mặt được và chưa được; đồng thời cơ bản thống nhất giải pháp được Chính phủ đưa ra.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm ở cả khu vực công và tư đều có chuyển biến tốt hơn năm ngoái. Sự điều hành của Chính phủ có chuyển biến theo hướng công khai, minh bạch… Báo cáo của Chính phủ khá tốt, nhưng còn một số địa phương chấp hành chưa tốt, như còn 3 địa phương chưa báo cáo, còn 30 địa phương chưa chấm điểm, có địa phương chấm điểm 100% không có tình trạng lãng phí trong khi địa phương đó còn có những phức tạp đang xảy ra... Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu để hoàn hiện báo cáo.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học giả Trung Quốc: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện lập trường kiên định về chống lãng phí, chống tham nhũng

Bài viết với nhan đề "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước là một thông điệp hết sức kịp thời, thể hiện lập trường kiên định của lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề phòng chống tham nhũng, chống lãng phí.

Học giả Trung Quốc Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện lập trường kiên định về chống lãng phí, chống tham nhũng
Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ phòng, chống lãng phí phải có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí
Return to top