ClockThứ Sáu, 14/10/2016 13:38

Nhiều khu vực bị chia cắt sau áp thấp

TTH.VN - Hiện các địa phương đã và đang huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, đồng thời khẩn trương thu hoạch diện tích sắn, rau màu ở những vùng thấp trũng, bị ngập nước nhằm tránh thiệt hại.

Nhiều cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới

Trong các địa bị ảnh hưởng, huyện Phong Điền, Phú Vang bị thiệt hại nặng nhất, có 2 người chết và mất tích trong và sau bão.

Do ảnh hưởng đợt áp thấp nhiệt đới, rạng sáng 14/10, tại huyện Phú Vang nhiều nhà và trường học bị tốc mái, nhiều cây xanh đổ và bật gốc, 1 người mất tích, 1 tàu 350CV của ông Nguyễn Văn Bang neo đậu ở bến phà Vinh Thanh bị chìm.

Chị Phan Thị Loan (sinh năm 1979 ở làng Hòa Duân, xã Phú Thuận) đi đặt đáy cá cùng 2 người anh rể là Dương Văn Thiện và La Văn Hùng bị chìm đò. Hai người đàn ông bơi vào bờ được còn chị Loan đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Hiện, Phú Vang đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực khắc phục hậu quả do áp thấp gây ra. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Phú Thuận phối hợp với  Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh tìm kiếm người mất tích.

Tại Phong Điền, mưa lũ khiến nhiều vùng bị chia cắt. Đến 10h sáng 14/10, nước sông Ô Lâu đã lên mức báo động 3. Quốc lộ 49 B đoạn từ Phong Hòa đến Phong Bình ngập 0,3m. Đoạn đường WB từ xã Phong An đến xã Phong Xuân qua thôn Vĩnh Hương ngập 1,0m. Đoạn đường Tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đến xã Phong Mỹ qua chợ Phong Mỹ bị ngập 1,5m.

Chợ Phong Mỹ bị ngập 1,5m. Ảnh: Khánh Thọ

Phong Bình là xã vùng trũng của huyện Phong Điền bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Khu vực thôn Vân Trình, Võ An, Hòa Diện bị chia cắt. Nhiều cây cối, hoa màu bị gãy đổ. Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, bão lũ làm 45 nhà bị tốc mái. Nhiều nhà ngập sâu trong nước. Trong đó, nhà ông Lê Văn Long bị cây bạch đàn gãy đổ làm mái nhà và nhà bếp bị sập. Hiện, UBND xã đã huy động lực lượng cơ động giúp ông Long sửa chữa lại nhà, bởi gia đình ông Long là hộ nghèo của xã.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Phong Điền, trên địa bàn có 186 nhà bị ngập trong nước (trong đó Phong Mỹ 30 nhà, Phong Thu 86 nhà, thị trấn Phong Điền 30 nhà, Phong Bình 40 nhà và chợ Phong Mỹ); 75 nhà bị tốc mái (trong đó Phong Hiền 3 nhà, Phong Bình 45 nhà, Phong Thu 2 nhà, Phong Chương 5 nhà, Điền Hòa 6 nhà, Điền Hải 2 nhà, Phong Xuân 12 nhà).

Về nông nghiệp, diện tích sắn bị ngập 150 ha và 20 ha rau màu các loại bị ngập (Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Hiền, Phong Thu, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải). 1000 con vịt ở Phong Xuân, 15 lồng cá ở Phong Hòa bị trôi theo lũ; 1.500 cây phân tán bị gãy đổ…

Trong khi đó tại A Lưới, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các phương án, đồng thời trên địa bàn không xảy ra gió mạnh, nên tính đến 9h sáng 14/10, toàn huyện không có thiệt hại về người, tài sản, diện tích sản xuất trong mưa bão.

Riêng địa điểm đèo Pê Ke thuộc xã Hồng Thủy đã xảy ra một điểm sạt lở tại km 316 + 600, đất tràn ra mặt đường, hiện địa phương đã chỉ đạo khắc phục thông tuyến.

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó với thiên tai, huyện A Lưới đã dự trữ tại trung tâm huyện 25 tấn gạo, 10 tấn muối; các xã thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng xung yếu như Hồng Thủy, A Roàng, Đông Sơn, Hồng Hạ và Hương Nguyên đều dự trữ tại mỗi địa phương 1 tấn gạo và 1.000 gói mì tôm. Các xã cũng chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “5 tại chỗ” nên hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mưa bão vừa qua.

Còn ở Phú Lộc, nước hồ Truồi tràn đập 1,4m. Lượng nước thượng nguồn đổ về khá nhiều nên khu vực hạ nguồn nước dâng lên 0,9m. Tuy vậy, ghi nhận tại các xã thấp trũng hạ nguồn sông Truồi vẫn chưa có lũ và ngập cục bộ.

Cửa Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đức Quang

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lộc, toàn huyện có 1 nhà tạm bị sập (xã Lộc An) và 7 nhà bị tốc mái (xã Lộc Bình 4 nhà và Vinh Hải 3 nhà); một chiếc thuyền công suất 24CV của ngư dân Trần Vũ (thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền) bị gió đánh chìm, hư hỏng trên 50%; nhiều đoạn bờ biển bị xâm thực. Cửa biển Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh) sạt lở với chiều dài hơn 600m, sâu 10-15m, tiến sát vào nhà dân; 2,5 km bờ biển xã Vinh Hải bị xâm thực, sâu gần 5m; đường bê tông xuống biển Hải Bình (xã Lộc Bình) bị xói lở 3m; 2,9 ha nuôi trồng xen ghép tại xã Lộc Bình bị thiệt hại trên 90%.

Tàu thuyền tránh trú tại xã Lộc Trì. Ảnh: Đức Quang

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, ngay sau khi nhận tin báo về áp thấp nhiệt đới gần bờ, huyện đã gửi công văn đến các xã yêu cầu kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào bờ tránh trú nên mới giảmđược thiệt hại. 

Một số hình ảnh thiệt hại sau áp thấp nhiệt đới:

Tất bật thu hoạch sắn khi lũ về

Di chuyển đồ đạc trong vùng nước ngập ở Phong Điền

Thu gom tài sản tại chợ Phong Mỹ bị ngập 

Người dân Phong Điền thu dọn nhà cửa 

Nhà người dân tại thị trấn Thuận An bị tốc mái

Người dân thôn Hòa Duân (xã Phú Thuận) sửa sang lại nhà cửa

Một căn nhà tại TDP Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang bị tốc mái hoàn toàn

Lực lượng chức năng cùng người dân kéo thuyền của bà Phạm Thị Loan (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bị đứt dây, trôi dạt

Nhóm PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top