ClockThứ Sáu, 07/12/2018 21:03

Nhiều vấn đề đặt ra tại buổi chất vấn

TTH - Nội dung chất vấn diễn ra sáng 7/12 tại Kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa VII xoay quanh 3 nhóm vấn đề: Trật tự an toàn xã hội; giao thông, xây dựng; nông nghiệp, nông thôn, khoa học công nghệ và tài nguyên.

Tiếp tục giám sát, thu hồi các dự án chậm tiến độ

Đại biểu Hồ Văn Hải nêu câu hỏi tại buổi chất vấn

Tội phạm diễn biến phức tạp

Đại biểu Hồ Văn Hải nêu câu hỏi về những giải pháp ngăn chặn, đấu tranh những loại tội phạm như: tội phạm ma túy, tội phạm an ninh công nghệ cao... Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đề nghị đưa ra giải pháp để ngăn ngừa, cảnh báo tình trạng tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi đang tràn lan.

Trả lời chất vấn, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật để người dân biết cách phòng tránh, tham gia với công an trong phòng chống tội phạm; chủ động nắm tình hình, nắm đối tượng, địa bàn nhằm kịp thời có giải pháp; tăng cường công tác phòng ngừa, triển khai nhiều biện pháp, trong đó có lắp đặt camera an ninh trên các tuyến đường; đấu tranh quyết liệt, từng loại cụ thể sẽ có giải pháp cụ thể….

Ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, có 5 tổ chức tài chính đăng ký tổ chức hoạt động công khai với trên 500 chi nhánh được Nhà nước cấp phép. Có 13 tổ chức cá nhân đăng ký hoạt động cầm đồ cho vay nhưng có khoảng 50 đối tượng loại hình hoạt động tín dụng đen. 300 người với 305 dịch vụ cầm đồ mua bán. “Ban Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo quét sạch đối tượng này trên địa bàn tỉnh. Nhiều đối tượng, vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên người dân vẫn sa chân vì nhiều nguyên nhân”, ông Sơn nói.

Ông Sơn đưa ra ba nhóm kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo; đào tạo chuyên gia và trang thiết bị theo kịp công nghệ; phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh ngăn chặn và xử lý”.

“Nóng” phố cổ Bao Vinh

Câu hỏi của các đại biểu xoay quanh việc mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều, chợ đầu mối Phú Hậu giai đoạn 2; trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong hoạt động của xe dù bến cóc, nguyên nhân và giải pháp quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh…

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, UBND tỉnh đã nghiên cứu tuyến đường Nguyễn Gia Thiều từ năm 2017 với quy mô đường 36m, 6 làn xe... Tỉnh đã giao UBND TP. Huế nghiên cứu quỹ đất, nguồn thu...

Ông Tuấn đưa ra các giải pháp như, cần chú trọng kiểm tra giám sát, xử lý qua thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra bán vé hành trình; phối hợp lực lượng công an và các tỉnh thành liên quan cũng như các văn phòng đại diện các hãng xe; bệnh viện trung ương trong việc quản lý cũng như xử lý các xe vi phạm…

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện có hơn 30 nhà truyền thống ở Bao Vinh có nguy cơ xuống cấp sẽ được bảo tồn theo hướng bảo tồn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... hình thành các tuyến đường chính, kết hợp các bãi đỗ xe, hình thành bến thuyền ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho khách di chuyển...

Đại biểu Huỳnh Trường Hợi trăn trở: “Phố cổ Bao Vinh còn khoảng 10 ngôi nhà truyền thống, trong đó 6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 nhà kiến trúc Pháp đang sử dụng tốt. Còn các ngôi nhà khác đã đập xây lại. Liệu chúng ta có nên bảo tồn? Đề nghị HĐND tỉnh xem xét nhất thiết có đề án phố cổ Bao Vinh hay không?”.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nói: “Về bảo tồn phố cố Bao Vinh đã giao cho UBND TX. Hương Trà. Tôi nghĩ cần có chính sách ưu đãi như đã thực hiện với nhà vườn Phước Tích”.

Chủ tịch UBND TX. Hương Trà Nguyễn Xuân Ty thông tin: “Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị xem xét quy hoạch lại phố cổ để tôn tạo bảo tồn, nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết. Bảo tồn là cần thiết nhưng cần khoanh vùng và có chính sách hỗ trợ cho người dân”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, việc quy hoạch và bảo tồn phố cổ này cần thận trọng vì dễ rơi vào hai thái cực nên nghiên cứu kỹ, tạo chính sách và sinh kế cho người dân thì họ mới có ý thức giữ gìn và bảo tồn di sản. Do đó cần quy hoạch, có chính sách hợp lý, sinh kế hài hòa mới có thể gìn giữ được khu phố cổ.

Chậm giải ngân vốn thực hiện đề tài KHCN

Các đại biểu quan tâm đến các giải pháp nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển sản xuất công nghệ cao, hỗ trợ, điều chỉnh giá giống; nguyên nhân bố trí vốn thực hiện đề tài khoa học chậm, giải ngân chưa đạt yêu cầu đề ra, thực hiện còn nhiều hạn chế.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình, sở đề xuất tỉnh không dàn trải mà tập trung vào các xã chọn lựa mô hình gắn kết với các chương trình khác để có mức hỗ trợ cao hơn, ưu tiên tập trung. Sở đã làm việc với các địa phương, chọn mô hình tự sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. “Hai năm qua chỉ có 10 mô hình (3 thủy sản, 3 trồng trọt, 4 chăn nuôi) được hỗ trợ nhân rộng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ hình thức, quy mô... được hỗ trợ đầu tư”, ông Nguyên nói.

Về việc bố trí vốn thực hiện đề tài khoa học, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết: “Quy trình giải ngân gồm nhiều bước. Nhân viên của sở thực hiện các khâu hướng dẫn và xử lý hồ sơ có khi chưa thấu đáo. Một số đề tài do người thực hiện chậm trễ... nên đến 2018 có 17,3 tỷ đồng chưa giải ngân. Sở sẽ đốc thúc hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện đề tài nhằm đẩy nhanh thực hiện hồ sơ khối lượng công việc, xây dựng quy trình ISO thẩm định và quyết toán đề tài dự án...”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ.

Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026:
Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn điều hành kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Kỳ họp diễn ra từ 10-11/12.

Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng
Return to top