Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến công tác cán bộ. Ảnh: TL
Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Đọc lại những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người đã nhấn mạnh đến công tác cán bộ từ rất sớm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”,“Có cán bộ tốt việc gì cũng xong” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy, thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Trong Thư gửi các đồng chí Bắc bộ (ngày 1/3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán gay gắt hiện tượng: “Nhiều nơi có đồng chí phạm lỗi nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức nhưng vẫn ở cấp bộ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt nặng nề, nhưng vì cảm tình nể nang, chỉ phê bình cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy, làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa, nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta…". Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ, hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Những cảnh báo của Người cách đây hơn 70 năm đáng tiếc rằng đang là vấn đề nóng bỏng của chúng ta hôm nay.
Thực tế ở một số cơ quan, một số địa phương trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, có nhiều nơi “cả họ làm quan”. Những cán bộ được bổ nhiệm chưa đủ trình độ, năng lực, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, thiếu cả đạo đức đã dẫn đến nhiều sự đổ vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng trong kinh tế, sai phạm trong quản lý điều hành, làm mất lòng tin trong Nhân dân. Ngược lại, ở một số cơ quan lại bảo thủ trong việc đổi mới cán bộ, nhiều cán bộ tham quyền cố vị, những cán bộ nắm quyền không đủ năng lực không bị thay thế. Điều đó làm công việc trì trệ, hoạt động của bộ máy kém hiệu quả. Có tình trạng đó là do công tác cán bộ bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh, để “lọt” những cán bộ thiếu phẩm chất vào trong bộ máy. Nhiều nơi bao che, dung túng cho nhau, xuê xoa trong chính sách cán bộ.
Bên cạnh việc mỗi cán bộ phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến kỷ luật nghiêm minh và công tác kiểm tra, kiểm soát công tác tổ chức cán bộ. Người chỉ rõ mục đích và ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ, có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Thường xuyên kiểm tra cũng góp phần bảo vệ cán bộ, đảng viên. Theo Người: "Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”.
Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta về công tác cán bộ được Đảng kế thừa và phát triển trong những nhiệm vụ cấp bách đề ra trong Hội nghị Trung ương 7. “Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp”. (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa XII).
TS. Ngô Vương Anh