Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên trái) được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ảnh: tuyengiao.vn
Đóng góp to lớn trên lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh ra trong một gia đình nhà nho thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ có vốn kiến thức phong phú về Hán Nôm, về lịch sử, văn hóa Việt Nam và phương Đông. Ở cụ có sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, kết hợp hai nền văn minh Đông và Tây trên nền tảng bền vững của truyền thống văn hóa dân tộc, cốt cách tâm hồn Việt Nam, và biểu hiện sâu sắc nhất là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội. Chỉ riêng từ năm 1941-1945, trên tạp chí Tri Tân, cụ có tới 114 bài mang tính chuyên sâu trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Từ năm 1934-1946, trên cương vị Hội trưởng Hội Trí Tri, cụ có những đóng góp mang ý nghĩa tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng đất nước ở những giai đoạn sau.
Đáng chú ý, năm 1938, cụ được cử làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ Bắc Kỳ. Trong suốt 7 năm (1938-1945), hội đã mở 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học cho trên 41 nghìn người biết đọc, biết viết và ở khu vực Trung Kỳ thành lập 11 chi nhánh. Nhiều hội viên Hội truyền bá chữ quốc ngữ trở thành những chiến sĩ cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Có công lớn trong diệt “giặc đói”, “giặc dốt”
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ngày 3/9/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó diệt “giặc đói” và “giặc dốt” là nhiệm vụ quan trọng ngang hàng với diệt “giặc ngoại xâm”.
Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội cứu đói và kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện “Hũ gạo tình thương”, “những ngày đồng tâm nhịn ăn”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo và tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” cuối năm 1944 đầu 1945 do thực dân Pháp, phát xít Nhật gây ra. Nhờ đó, đã tạo được phong trào thi đua cứu đói rầm rộ trên cả nước; làm cho các nhà tư sản, địa chủ bỏ tiền của thóc gạo cứu đói.
Sau khi Chính phủ thành lập Ủy ban Trung ương phụ trách sản xuất nhằm giải quyết tận gốc nạn đói, ngày 15/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc dân Kinh tế ký Nghị định số 41-BKT đưa ra các biện pháp khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói và phối hợp với Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở gia tăng tập thể, dùng nguồn đất công cộng tăng gia sản xuất. Do vậy, kết quả sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc và nạn đói đã bị đẩy lùi. Đúng kỷ niệm một năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/1946), Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là kỳ công của chế độ dân chủ”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cùng với các thành viên Chính phủ còn từng bước thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tiêu diệt “giặc dốt” bằng chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để nâng cao dân trí cho hàng triệu đồng bào…
Đến Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên
Tại cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử tri Nam Định bầu và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, cụ được các đại biểu bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay).
Trên cương vị mới, trong thời gian 8 tháng (2/3/1946 - 9/11/1946), cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn với dân tộc và cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ban Thường trực Quốc hội luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước, đã lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của thực dân Pháp trước dư luận thế giới và kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, Ban Thường trực Quốc hội đã xem xét 98 dự án Sắc lệnh của Chính phủ, tập trung vào các vấn đề: pháp chính, kinh tế, tài chính, xã hội… Đặc biệt, ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, chế độ đảm bảo quyền dân chủ, tự do của mỗi công dân, không phân biệt nam nữ, quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngày 2/6/2019, BCHTW Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam và TP. Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài diễn văn quan trọng, về thân thế, sự nghiệp và tiếp tục khẳng định những đóng góp quan trọng của cụ Nguyễn Văn Tố đối với cách mạng Việt Nam.
Thùy Hương