ClockThứ Ba, 01/05/2018 07:10

Những chính sách nổi bật từ tháng 5/2018

Hàng loạt các chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5 như: Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng; quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; những trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Tự gây thiệt hại để nhận bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số sẽ có hiệu lực từ 10/5/2018.

Khách hàng giao dịch tại Công ty Bảo hiểm Lai Châu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, phạt tiền từ 90 triệu đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

- Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

- Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 2/5/2018.

Theo đó, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đơn cử như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định;

- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp;

- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp…

Nghị định cũng quy định những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm:

- Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;

- Sản phẩm nội dung thông tin số.

Những trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.

Theo đó, người thuộc một trong các trường hợp sau thì không được tham gia định giá tài sản:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

- Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá.

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

- Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá.

- Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Return to top