ClockThứ Sáu, 26/04/2019 07:00

Những kỷ niệm sâu nặng với Đại tướng Lê Đức Anh

TTH - Với ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa IX (1992-1997), mỗi lần nhắc đến nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, bao kỷ niệm lại dâng trào...

Nhớ Đại tướng Lê Đức AnhĐồng chí Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc

Ông Võ Nguyên Quảng (thứ 3 bên trái qua) gặp Đại tướng Lê Đức Anh trong dịp Đại tướng thăm tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2000. Ảnh: Tư liệu Văn phòng Tỉnh ủy

Nhiều kỷ niệm

Tôi may mắn được gặp gỡ, làm việc với Đại tướng Lê Đức Anh khi anh là một trong những đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế với biết bao kỷ niệm. Tôi cũng như Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh không bao giờ quên sự quan tâm to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh dành cho quê hương.

Mỗi lần tôi và 2 ĐBQH của tỉnh là anh Nguyễn Đình Ngộ và chị Nguyễn Khoa Kim Bội ra họp ở thủ đô Hà Nội thì đều đến thăm ông. Đại tướng Lê Đức Anh là người tình cảm, giản dị và gần gũi. 

Một kỷ niệm không bao giờ tôi quên là lúc Quốc hội bầu Đại tướng Lê Đức Anh vào cương vị Chủ tịch nước. Khi có kết quả, Đại tướng vẫn ngồi ở dưới hội trường. Lúc đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến, vỗ vào vai Đại tướng rồi nói: “Sao đồng chí không lên trên kia ngồi mà ngồi dưới thế này?". Đại tướng Lê Đức Anh đứng dậy, nói đùa một câu mà tôi nhớ mãi: "Đi lên trên đó ngồi phải xin ý kiến ông Võ Nguyên Quảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chứ". Tuy chỉ là một lời nói đùa, nhưng đã làm tôi rất cảm động.

Những lần vào tiếp xúc cử tri ở Thừa Thiên Huế, gặp ai, Đại tướng Lê Đức Anh cũng bắt tay chào hỏi thân tình, không có khoảng cách cấp trên cấp dưới. Một lần, Đại tướng vào Huế, cũng là để tiếp xúc cử tri. Lúc đó, nhà khách số 5 Lê Lợi của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là nơi sang nhất để tiếp đón các đại biểu của Trung ương và các tỉnh. Lúc này, cũng có một hội nghị cựu chiến binh toàn quốc đang tổ chức tại đây, có rất nhiều tướng lĩnh của cả nước tham dự. Chúng tôi nghĩ, Đại tướng làm việc đã căng thẳng, lại ở đó khách khứa nhiều, nên bàn tính đưa Đại tướng xuống khách sạn Hương Giang để ở cho tiện. Khi tới đây, những phòng sang trọng thì có khách Tây ở, đến trưa họ mới giao phòng, nên tôi và anh Phạm Bá Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh đành phải bố trí Đại tướng vào ở trong một căn phòng chưa được ưng ý lắm. Chúng tôi nghĩ, cứ bố trí thế để Đại tướng ở tạm rồi tính tiếp.

Lúc cùng Đại tướng chuẩn bị đi Phú Lộc, anh Phạm Bá Diễn nói: "Quảng ở nhà chuẩn bị phòng, rồi chiều mời Đại tướng lên ở phòng khác đẹp hơn, rộng hơn". Mới ăn sáng xong, nghe chúng tôi trao đổi như vậy, Đại tướng Lê Đức Anh mới hỏi: "Có chuyện chi rứa?". Tôi báo cáo với Đại tướng: "Chừ Đại tướng đi Phú Lộc với anh Diễn, chiều lên xin phép Đại tướng cho chúng em chuyển Đại tướng lên ở phòng khác ". Nghe vậy, Đại tướng nói một câu mà tôi nhớ cả đời: "Hồi tham gia kháng chiến, mình mắc võng ở trên núi mà ngủ ngon, chừ phòng như ri mà nói hẹp nữa? Không đi mô hết, ở đây thôi".

Một kỷ niệm nữa khó quên là khi vào tiếp xúc cử tri, theo kế hoạch, Đại tướng sẽ thăm một số cơ sở ở TP. Huế. Khi đi sẽ có xe công an đi trước và sau để bảo vệ, dẫn đường, nhưng Đại tướng không muốn như vậy. Đại tướng nói riêng với tôi: "Quảng ăn sáng xong rồi lên xe mình qua thăm bà con tiểu thương chợ Đông Ba, nhưng đừng cho ông Bàng biết (Đại tá Nguyễn Hồng Bàng lúc đó là Giám đốc Công an tỉnh)". Rồi Đại tướng nói: "Dân mình nghèo khổ, nhưng tốt, họ không làm chi mô, đừng để công an đi bảo vệ nữa". Nghe Đại tướng nói thế, tôi chấp hành.

Hôm sau, chúng tôi đưa Đại tướng Lê Đức Anh ra Phong Điền, lên vùng giáp ranh xã Phong Xuân để tiếp xúc cử tri và thăm hồ thủy lợi ở trên đó. Sáng ấy, Đại tướng Lê Đức Anh và đoàn công tác của tỉnh ra Phong Điền từ rất sớm, thế nhưng ở Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền thì chưa có ai. Đến ngã ba An Lỗ, trong lúc chờ đợi Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền, Đại tướng đã xuống xe vào từng hộ gia đình để hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện liên quan đến cuộc sống của người dân.

Quan tâm đến sự phát triển của quê hương

Những năm tháng về với quê hương Thừa Thiên Huế, Đại tướng Lê Đức Anh đều quan tâm, tham gia ý kiến đối với sự phát triển của tỉnh.

Đại tướng luôn căn dặn, tỉnh mình nghèo, hai cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, dân còn khổ, nên lãnh đạo tỉnh phải luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho Nhân dân. Trong nông nghiệp phải lo làm sao giải quyết được vấn đề thủy lợi, để tạo điều kiện thuận lợi cho dân canh tác hết diện tích lúa, đưa năng suất, chất lượng cây lúa lên cao. Muốn vậy, phải hướng dẫn cho người dân biết vận dụng các kiến thức về khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Đại tướng cũng gợi mở cho tỉnh phải quan tâm, đề ra các giải pháp để đẩy mạnh ngành du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chúng tôi cũng không thể quên được công lao của Đại tướng Lê Đức Anh khi nêu quan điểm để xây dựng công trình thủy lợi hồ Truồi.

Trước đó, qua làm việc với các bộ, ban, ngành và cơ quan Trung ương, nhiều đại biểu không đồng tình về chủ trương này. Tuy nhiên, với quyết tâm và trên cơ sở phân tích của Đại tướng Lê Đức Anh, cuối cùng, công trình thủy lợi hồ Truồi cũng được xây dựng. Công trình đã giải quyết được vấn đề thủy lợi cho người nông dân trồng lúa tại các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Thủy và một phần của TP. Huế. 

Mấy ngày nay, nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, tôi rất xúc động. Cá nhân tôi và Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn tự hào về một vị tướng tài ba, một lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của Quân đội, của quê hương Thừa Thiên Huế - Đại tướng Lê Đức Anh.

Anh Phong

(ghi theo lời kể của ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa IX)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng

Ngày 12/12, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024). Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các ông: Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng
Return to top